Võ bùa "tái xuất giang hồ" ?
Diễn đàn Nghiên cứu - Ứng dụng Võ thuật Việt Nam

Viện Nghiên cứu-Ứng dụng và Phát triển Võ thuật Sơn Long Đường

Latest topics

» Những cây đại thụ đất võ Tây Sơn
by dotrongluong Tue Oct 11, 2016 10:06 am

» TÌM HIỂU THƠ ĐƯỜNG
by longquyen Mon Sep 26, 2016 12:57 pm

» THƠ ĐƯỜNG VÀ SỰ HƯNG THỊNH CỦA NÓ
by longquyen Thu Sep 22, 2016 12:45 pm

» Luyện Thái Cực Quyền để có thể phòng trị bệnh tật lâu dài
by dotrongluong Thu Sep 22, 2016 9:31 am

» Tập thơ nửa tỷ đồng, thi phẩm hay “thảm họa”?
by My"Sói" Wed Sep 21, 2016 3:49 pm

» Kể từ giờ...
by My"Sói" Wed Sep 21, 2016 3:05 pm

» NÀNG THƠ TRUNG TRINH
by Hoàng Huy Wed Sep 21, 2016 9:29 am

» Dung Hà: hình xăm bông hồng rỉ máu “ma ám”
by My"Sói" Wed Sep 21, 2016 8:34 am

» Các mỹ nhân xăm trổ cực sexy
by My"Sói" Wed Sep 21, 2016 8:31 am

» Brad Pitt và Angelina Jolie ly hôn - cái kết của kẻ "cướp" chồng?
by My"Sói" Wed Sep 21, 2016 8:16 am

» Cảm nhận về võ đức
by Hoàng Huy Tue Sep 20, 2016 10:55 pm

» Đại dũng là đức tính cao quý của người dụng võ.
by Hoàng Huy Tue Sep 20, 2016 10:53 pm


3 posters

    Võ bùa "tái xuất giang hồ" ?

    Admin
    Admin
    Admin
    Admin


    Tổng số bài gửi : 44
    Join date : 29/03/2013

    Võ bùa "tái xuất giang hồ" ? Empty Võ bùa "tái xuất giang hồ" ?

    Bài gửi by Admin Fri Jul 12, 2013 7:43 pm

    Vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, làng võ Việt xôn xao bởi sự xuất hiện của một phái võ kỳ lạ, gọi là "võ bùa" hay "thần quyền". Người theo môn võ ấy không cần luyện tập quyền cước mà chỉ cần thổi hương, uống bùa, gọi thần chú là có sức mạnh muôn người khôn địch...

    Bởi cách thức có phần thần bí đó mà nhiều môn phái khác đã tìm các lò dạy võ bùa để tìm hiểu thực hư, phân tài cao thấp. Sự "truy sát" ấy, cùng nhiều lý do khác nữa nên chỉ ít thời gian sau, võ bùa phải lui vào ẩn dật.

    Gần đây, trước sự nở rộ trở lại của phong trào học võ, lại có lời đồn võ bùa đang "tái xuất giang hồ". Chúng tôi đã đi tìm hiểu thực hư xung quanh môn võ này.

    Cao nhân ẩn tích

    Sau màn ra mắt vào những năm 80 của thế kỷ trước, võ bùa bỗng dưng mất hút một cách khó hiểu trên "chốn giang hồ". Không ai biết đệ tử của võ bùa ở đâu, hiện đang sống như thế nào, còn lao tâm khổ tứ tập luyện hay không?

    Gần đây, một lần lang thang trên mạng, tôi tình cờ đọc được thông tin của một môn sinh "chánh phái" nói rằng, trước đây có hai cao thủ phái Thất Sơn đem võ bùa về dạy ở Hà Nội và chính họ là những sư phụ đầu tiên của môn phái ở đất Kinh kỳ. Thông tin trên mơ hồ, chỉ nói người thứ nhất tên Thành, làng võ vẫn gọi là Thành "vuông", người thứ hai tên là Chín, giang hồ gọi là Chín "cụt".

    Liên hệ với một số cao thủ võ lâm ngoài Bắc thì được biết, Thành "vuông" tên đầy đủ là Nguyễn Văn Thành, từng sống ở khu vực Ô Chợ Dừa (Hà Nội), giờ đã qua Nga lập nghiệp. Người thứ hai là Chín "cụt", tên đầy đủ là Ngô Xuân Chín, là thương binh, hiện không biết phiêu dạt phương nào.

    Thông tin trên làm tôi nhớ lại lần trò chuyện với võ sư Chu Há, Chủ nhiệm võ đường Hồng Gia. Võ sư Há cho biết, thủa trước, Chín "cụt" có tham gia một số phong trào thể thao của người khuyết tật và ngay từ buổi đầu tiên ấy, Chín cùng đệ tử đã từng dùng võ bùa để giành huy chương vàng một hội khỏe năm 1986.

    Nhờ manh mối này, tôi vội tìm đến ông Vũ Thế Phiệt, Tổng Thư ký Hiệp hội Thể thao người khuyết tật Việt Nam. Từ số điện thoại ông Phiệt cho, tôi đã tìm được "cao nhân" ẩn tích bấy lâu nay - ông Chín.

    Phận duyên tiền định

    Vợ chồng ông Xuân Chín hiện đang sống ở một khu đô thị yên ả trên đường Lạc Long Quân (Hà Nội). Trò chuyện, Xuân Chín bảo, Thất Sơn thần quyền với ông như có duyên trời định.

    Thời trai trẻ, Chín là lính trinh sát đóng quân ở tỉnh biên giới Cao Bằng. Khi còn ở quê nhà, bởi hiếu động nên Chín từng theo đám trai làng lăn lộn học quyền cước của mấy võ sư vườn, cũng lận lưng dăm ba miếng phòng thân. Bởi thế, khi hay tin trong trung đoàn có một đồng đội thường diễu quyền, phóng cước sau khi xong xuôi việc nhà binh, Chín muốn tìm đến xem "mặt mũi" thế nào và nhân thể thử tài luôn để phân cao thấp.

    Sau nhiều lần hò hẹn, "thằng cha" đó cũng nhận lời thách đấu. Thế nhưng sau 2 lần "tỉ thí", Chín đều thua không kịp vuốt mặt. Chín đấm, đá cật lực mà cứ như đánh vào bị bông, đối thủ chẳng hề đổi thay sắc mặt. Đánh nhiều đuối sức, chùn tay, nên đành phải xin thua.

    Từ sau trận quyết đấu đó, hai người trở thành bạn. Lúc này Chín mới biết người kia theo học Thần quyền của phái Thất Sơn, từ một sư phụ ở quê nhà, xã Văn Khúc, huyện Sông Thao, tỉnh Phú Thọ. Những câu chuyện mà người bạn kể về môn phái lạ lùng đã khiến Chín mê mệt. Anh ước ao có ngày được về quê bạn bái vị sư phụ ấy làm thầy.

    Và rồi cái ngày anh mong mỏi ấy cũng đến. Được sự giới thiệu, ngay đêm hôm ấy, anh đã được diện kiến kỳ nhân. Người ấy là danh sư Nguyễn Văn Lộc, một nông dân chân chất, cũng chỉ hơn anh cỡ trên chục tuổi.

    Thế nhưng hôm ấy, ý nguyện, mơ ước của anh đã không thành. Dù đã cố nài nỉ hết nước hết cái nhưng vị danh sư ấy vẫn không chịu thu nạp Chín làm đệ tử. Tuy mưu sự không thành nhưng anh vẫn không thôi hi vọng của mình.

    Chừng tháng sau, anh lại tay nải từ Cao Bằng tìm về Phú Thọ. Lần này, thứ mà anh nhận được vẫn chỉ là những cái lắc đầu. Thế rồi, một lần (năm 1981), lúc đi làm nhiệm vụ, anh bị thương phải cắt bỏ hoàn toàn chân phải. Khi vết thương liền da, nhớ miền quê Văn Khúc và ông thầy võ... khó tính, anh lại lóc cóc tìm về.

    Đi cùng anh lần này có cả Thành "vuông", một chàng trai Hà Nội, nghe tiếng vị sư phụ kỳ lạ mà háo hức muốn được tỏ tường. Gặp mặt, vị danh sư nói thẳng thừng: "Anh lành lặn tôi còn không nhận, huống chi nay đã là người tàn phế! Anh không học võ được đâu!". Câu nói đó đã làm ruột gan Chín quặn thắt. "Đau" hơn khi bạn đồng hành với anh, Thành "vuông", lại được sư phụ thu nạp.

    Uất ức, trước khi ra về anh... thề: "Sư phụ nhận tôi thì 6 tháng tôi xuống một lần! Không nhận thì tháng nào tôi cũng xuống!". Tháng sau, một mình, anh xuống thật. Lần này, thấy anh lóc cóc chống nạng vượt quãng đường hơn 15 cây số, vị danh sư đã động lòng trắc ẩn. Ông đã đồng ý truyền võ cho anh nhưng với điều kiện chờ ngày tốt, về Bắc Giang ông mới dạy.

    Võ phái kỳ lạ

    "Ngày tốt" ấy là ngày 9/10/1984. Đã hẹn trước, anh Chín có mặt tại nhà một người quen của sư phụ ở làng Mỹ Độ, sát thị xã Bắc Giang. Đến được ít phút thì sư phụ anh cũng xuất hiện. Ngay chiều hôm ấy, anh đã thành người của phái Thất Sơn. Cũng ngay ngày hôm ấy, anh mới tường tận về môn phái của mình.

    Theo lời thầy Lộc thì "thủ phủ" của Thất Sơn thần quyền nằm ở Huế, do tông sư Nguyễn Văn Cảo nắm quyền chưởng môn. Sáng tổ Nguyễn Văn Cảo học thần quyền từ một vị cao tăng người Ấn Độ. Cao tăng lưu lạc sang Việt Nam từ khi nào thì đến giờ vẫn không ai biết rõ. Tới Việt Nam, ông chọn vùng Bảy Núi (An Giang) làm chốn tu hành. (Có lẽ bởi bậc thánh nhân tu luyện nơi non thiêng này nên thầy Cảo đã đặt tên môn phái của mình là Thất Sơn).

    Dựa trên những căn bản mà vị tu sĩ lạ lùng ấy truyền dạy, thầy Cảo đã truyền dạy thần quyền cho nhiều người khác. Thần quyền học nhanh, do vậy chỉ trong thời gian ngắn, ở Huế đã có rất nhiều người trở thành môn đồ của võ phái này.

    Khi nhập môn, môn đồ của môn phái phải đứng trước ban thờ thề đủ 9 điều (Càng học cao thì số lời thề càng tăng thêm và cao nhất là 16 điều). Sau đó, mỗi người sẽ được sư phụ mình phát cho hai lá bùa hộ thân, một vuông, một dài. Trên những lá bùa ấy có vẽ hình đạo sĩ ngồi thiền và những "thông số", "mật mã" riêng của môn phái.

    Trước khi truyền thụ những câu thần chú, bí kíp võ công của môn phái thì hai lá bùa ấy được đem đốt, lấy tro hoà vào nước cho người mới nhập môn... uống cạn. Thần chú của môn phái thì có rất nhiều, gồm chú gồng, chú xin quyền, chú chữa thương... Đã được truyền thần chú thì môn sinh cứ tự mình gọi chú mà xin sức mạnh, mà tập quyền cước.

    Tuy thế, trước khi tập, người luyện thần quyền phải được sư phụ mình khai thông tất cả các huyệt đạo trên cơ thể. Việc ấy, các sư phụ của Thất Sơn thường làm bằng cách dùng nắm nhang đang nghi ngút khói thổi vào huyệt đạo của đệ tử. Với môn sinh là nam giới thì dùng 7 nén nhang thổi 7 lần vào mỗi huyệt đạo. Môn sinh là nữ thì dùng 9 nén, thổi đúng 9 lần.



    Thần chú vào... võ công ra

    Anh Chín kể, hôm ấy, xong nghi thức nhập môn, sư phụ Lộc đã kéo anh ra sân và chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ, ông đã truyền thụ xong xuôi cho anh lời chú xin quyền.

    Theo lời của sư phụ Lộc, lời chú ấy anh không được phép tiết lộ cho bất kỳ ai nếu chưa được phép của những người đứng đầu môn phái. Truyền chú xong, sư phụ anh bảo, cứ nhẩm theo câu chú ấy mà luyện. Chú "nhập" đến đâu thì công phu tự khắc... ra đến đó.

    Thấy thầy dạy mình quá nhanh, anh hết sức ngạc nhiên. Cứ nghĩ, có lẽ bởi gượng ép khi thu nạp nên thầy Lộc mới dạy anh một cách sơ sài đến vậy. Sau này, khi trình độ bản thân được nâng cao, anh mới biết, với anh cuộc truyền thụ kỹ năng cơ bản của môn phái như vậy là quá lâu.

    Thường thì khi truyền chú cho đệ tử khác, thầy Lộc chỉ làm trong thời gian vỏn vẹn 15 phút là xong. Anh cũng vậy, khi được phép dạy đệ tử, anh cũng chỉ mất ngần ấy thời gian là đã... hết bài. Còn học như thế nào, luyện như thế nào, trình độ đạt đến đâu là cơ duyên của mỗi người chứ thày không chỉ bảo được.

    Ngay chiều hôm ấy, thầy Lộc đã kéo anh ra khoảng sân rộng, bắt đầu luyện tập quyền pháp. Trước khi tập, thầy lấy nắm nhang nghi ngút khói thổi vào tất cả những huyệt đạo trên cơ thể anh. Làm xong, thầy bảo anh nhẩm đọc chú để... gọi võ về. Thật ngạc nhiên, khi vừa đọc chú xong, anh bỗng thấy mình lâng lâng như người say rượu. Lúc thì thấy tay mình nhẹ bẫng, lúc thì thấy nặng như đang khuân cả khối sắt trăm cân.

    Chín kể, khi đã "nhập đồng", cứ thấy nhẹ bên tay nào là "chưởng" đánh ra tay ấy. Trạng thái không kiểm soát ấy đã khiến anh lúc thì lăn lộn trên đất, lúc thì nhảy tưng tưng trên không, lao đầu vào tường, vào bụi gai cũng không hề hay biết.

    Tỉ thí tranh tài

    Hết nghỉ phép, Xuân Chín về nơi an dưỡng. Vì đang chờ chế độ nên anh có nhiều cơ hội để luyện tập môn võ mà mình vừa được học. Cứ đêm đến, anh lại một mình chống nạng lên quả đồi ở gần đó luyện tập. Sáu tháng sau, anh quay lại Văn Khúc để thầy Lộc kiểm tra "trình độ".

    Sau bữa cơm chiều, thầy Lộc bảo ông sẽ không trực tiếp kiểm tra mà nhờ thầy "cao tay" hơn thẩm định. Vị ấy tên Cư, ở bến phà Tình Cương, cách nhà thầy Lộc chừng 25 cây số. Thần quyền ở Văn Khúc chính là do ông Cư mang từ trong Huế ra truyền dạy.

    Tối hôm đó, hai thầy trò đã đèo nhau đến nhà ông Cư. Biết Chín muốn thử trình độ của mình, ông Cư đã gọi hai đệ tử to như hộ pháp đến. Trước khi đánh, ông Cư giới thiệu, hai đệ tử của ông được gọi là những “cây đấu” của Thất Sơn. Những ai muốn "khẳng định thương hiệu" của riêng mình thì đều phải đánh với hai "cây đấu" ấy.

    Ngay phút khởi động, một “cây đấu” đã táng thẳng vào mặt Chín cú "thôi sơn" khiến anh nổ đom đóm mắt. Nhưng ngay sau cú đánh ấy, anh thấy mình tự dưng lùi ra, quay hẳn lưng vào đối thủ. Chẳng cần để mắt động tác khó hiểu của anh, người tấn công lại ngay lập tức lao vào. Thế nhưng, vừa vào gần đến nơi thì bỗng nhiên tay phải Chín vung ra một cú đòn cực mạnh. Một tiếng “bốp” chát chúa vang lên, “cây đấu” ấy bị đánh văng ra góc sân và nằm bất động.

    Thấy đệ tử mình bị hạ nhanh một cách khó hiểu, ông Cư vội vàng chạy đến xem thực hư thế nào. Cậu học trò cưng nằm im, mồm miệng be bét máu. Phần thắng đã thuộc về Chín.

    Sắp xếp công việc, ít lâu sau, anh Chín lại theo thầy Lộc vào Huế để nhờ tông sư môn phái kiểm tra trình độ thật sự của mình. Chưởng môn phái Nguyễn Văn Cảo (phường Phú Cát) đã đón hai thầy trò anh rất thân tình.

    Hôm ấy, nhà thầy Cảo có một đệ tử học Thần quyền được 10 năm, từ Quảng Bình vào thăm. Thầy Cảo bảo Chín đấu với người này. Kịch bản của trận đấu ở Phú Thọ đã được lặp lại. Vào trận, ngay màn dạo đầu, Chín dính đòn tới tấp. Thế nhưng, trong lúc nguy nan, tự nhiên anh thấy chân mình mềm oặt. Xoay lưng lại đối thủ, anh quỳ xuống như người bị trúng đòn chí mạng. Đối thủ thấy vậy thừa thắng lao lên...

    Nhưng, như có phép tiên, dù chỉ còn mỗi chân trái mà anh vẫn bật vút lên, lộn trên không một vòng rồi tung cú "thiết cước" vào thẳng bụng đối thủ. Cú đá ấy đã làm vị kia văng ra, thầy Cảo ngay lập tức cho dừng trận đấu. Sau trận đấu đó, bởi quá khâm phục sự tiến bộ kỳ lạ của anh, thầy Cảo đã cân nhắc để anh được thăng đai vượt cấp.

    Thế nhưng, điều đó chưa từng có tiền lệ trong môn phái nên thầy đành để anh ở đai đỏ xuất sư. Người đeo đai đó thì đã có thể làm thầy, truyền thụ võ công cho những môn sinh khác. Sáu tháng sau, vào lại Huế, lần này chưởng môn Nguyễn Văn Cảo đích thân ra chợ mua chỉ về se đai tím cho anh.

    Dựng nghiệp bất thành

    Rời quân ngũ, anh Chín về quê sinh sống, thỉnh thoảng ra Hà Nội gặp gỡ bạn bè. Những năm ấy, phong trào chấn hưng võ thuật cổ truyền ở thủ đô đang ở cao trào, thấy Thất Sơn thần quyền của mình chưa có một tên tuổi trong làng võ Việt, anh và một số người bạn đã quyết tâm gây dựng môn phái.

    Để khẳng định sức mạnh của Thần quyền, Hội khoẻ Phù Đổng năm 1986 được tổ chức ở Hà Nội, các bạn anh đã tiến cử anh tham gia. Chuẩn bị cho sự kiện này Chín đã lặn lội lên Cao Bằng, tìm cậu bé mà trước đây anh đã ngẫu hứng truyền thụ võ công, đưa về Hà Nội cùng mình biểu diễn. Cậu bé ấy tên Điệp, khi ấy vừa tròn 6 tuổi.

    Tại sân vận động Hàng Đẫy, với tiết mục thần quyền của mình, hai thầy trò một tàn phế, một tóc còn để chỏm đã dinh về hai tấm huy chương vàng trước sự trầm trồ, thán phục của mọi người.

    Sau màn ra mắt, được sự "chỉ đường mách lối" của cố võ sư Đỗ Hoá, anh cùng các bạn đã tìm đến một chức sắc ở Hội Võ thuật cổ truyền Hà Nội nhằm đưa môn phái "phát dương quang đại". Thế nhưng, nhiều người cho rằng Thất Sơn thần quyền là tà thuật, mê tín dị đoan nên mong ước của anh đã không thể thành hiện thực.

    Dựng phái không thành, anh em tan rã mỗi người một nơi, Xuân Chín đâm nản. Tuy thế, sau này, tham gia phong trào thể thao người khuyết tật, anh vẫn đem thần quyền đi biểu diễn ở khắp nơi.

    Năm 2004, tại một cuộc liên hoan võ thuật tại Hàn Quốc, anh đã được ban tổ chức trao tặng huy chương vàng cho tiết mục thần quyền độc đáo của mình. Càng hạnh phúc hơn khi ngay sau đó, hình ảnh của anh, một người cụt chân đang thăng hoa cùng quyền thuật đã được ban tổ chức in lên lịch lưu niệm tặng các vận động viên tham gia.

    Cũng từ dạo ấy, bởi cuộc mưu sinh anh đã thôi không tham gia phong trào thể thao nữa. Thần quyền anh cũng ít tập hơn và cũng không truyền dạy bí kíp võ công này cho bất kỳ ai...

    Lời thề của phái Thất Sơn

    Một lòng hiếu thảo với cha mẹ; Không phản môn phái; Không phản thầy; Không phản bạn; Coi bạn như anh em ruột thịt; Không cưỡng bức kẻ yếu; Không làm điều gian ác; Không ham mê tửu sắc; Không nản chí khi luyện tập; Không thoái lui lúc nguy hiểm; Luôn bảo vệ kẻ yếu; Nhịn kẻ mất lòng ta; Thi hành nghiêm chỉnh những lời thầy dạy; Ôn hoà trong tình bạn; Không tự cao tự đắc; Cứu người trong lúc nguy nan...

    Thanh Đào - Thiều Thúc
    Admin
    Admin
    Admin
    Admin


    Tổng số bài gửi : 44
    Join date : 29/03/2013

    Võ bùa "tái xuất giang hồ" ? Empty Re: Võ bùa "tái xuất giang hồ" ?

    Bài gửi by Admin Fri Jul 12, 2013 8:19 pm

    Người học võ nếu học thêm bùa, phép thì khi kết hợp lại sẽ làm cho uy lực tăng gấp nhiều lần. Dù võ bùa thường chỉ dùng nhằm mục đích chữa bệnh cứu người, nhưng nhiều người học đã cố tình dùng sai, gây hại người khác, khiến giới võ lâm coi người học võ bùa là “tà đạo”.

    Bỏ “thư”

    Vùng Thất Sơn là nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhất tỉnh An Giang. Họ sống tập trung tại các phum sóc, hầu hết theo đạo Phật. Trước đây, người Khmer ở Bảy Núi gần như sống tách biệt với cộng đồng, không thích qua lại với các dân tộc anh em khác tại địa phương. Không biết có phải vì thế mà họ thêu dệt nên các câu chuyện huyền bí, rùng rợn hay không. Nhưng cho đến bây giờ người ta vẫn tin rằng một số ít người Khmer vẫn có khả năng bỏ “thư”.

    Võ bùa "tái xuất giang hồ" ? Vobua2
    Một “thầy” dùng võ bùa chữa bệnh cho người dân ở Tri Tôn, An Giang - Ảnh: M.T

    “Thư” tiếng Khmer gọi là Thnup. Người dân Bảy Núi trước đây rất sợ loại bùa phép này. Bởi họ tin rằng, người có bùa “thư” có thể sai khiến một vật to lớn “đi” vào bụng người, mà đi một cách êm ru, đối phương không hề hay biết. Phổ biến nhất là các “thầy bùa” thường dùng 1 nùi tóc rối, 1 miếng da trâu hay 1 khúc gỗ to để “thư” người khác.

    Theo truyền thuyết, “thầy bùa” sẽ đọc chú để biến các vật vụng trên nhỏ dần, nhỏ dần đến khi chỉ còn bằng… hạt bụi. Khi đó, họ sẽ nhét “hạt bụi” vào bụng con cá hoặc thức ăn của người khác. Khi “hạt bụi” đã vào được bụng của đối tượng thì sẽ trở về hình dáng cũ, gây đau đớn ghê gớm.

    Cho đến bây giờ, người dân vùng Bảy Núi vẫn còn truyền khẩu câu chuyện huyền bí về vợ chồng bà lão được cho là biết bùa “thư” ở phum Là Ca (xã Ô Lâm, H.Tri Tôn). Ai làm mất lòng hay có hiềm khích với vợ chồng bà lão thì chỉ cần bà này đi ngang qua nhà, y như rằng trong nhà sẽ có chuyện. Người ta sợ đến mức hễ thấy vợ chồng bà lão đi ngang qua là tất cả lu nước phải đổ bỏ, đồ ăn thức uống trong nhà cũng không dám động vào vì sợ bị “thư”. Vì câu chuyện huyền bí không có lời giải thích này khiến phum Là Ca càng thêm thâm u, không một người lạ nào dám bén mảng tới đây.

    Có một sự trùng hợp khiến bọn lính Tây khiếp vía, không dám đặt chân đến Là Ca. Chuyện là, một ngày nọ, bọn lính Pháp bất ngờ kéo vào phum Là Ca vơ vét tài sản, gà vịt, thức ăn của người dân nơi đây rồi bày ra ăn nhậu, còn chửi thề ỏm tỏi. Trong lúc đó thì bà lão kỳ dị ấy đi ngang qua. Một lúc sau, vài tên trong nhóm bỗng ôm bụng té lăn, ói mửa. Vốn đã nghe tiếng bùa “thư” ở nơi này từ trước, bọn lính càng tin chúng đã bị dính “thư” nên cuốn gói bỏ chạy, về sau không dám bén mảng.

    Theo truyền thuyết, người muốn luyện loại bùa thuật này phải ăn toàn đồ dơ bẩn như rác rưởi, thậm chí là… kinh nguyệt của phụ nữ. Đêm đêm họ phải ra các bãi tha ma, hoặc đi vào rừng thẳm để luyện phép, kêu gọi ma quỷ nhập thân bằng những câu thần chú đầy ma quái. Sau nhiều ngày tháng luyện tập như vậy, đến lúc luyện thành thì người này có thể sai khiến được ma quỷ đi càn quấy, hại người khác. Những người lớn tuổi ở Bảy Núi kể lại rằng, cách đây rất lâu, sau một cuộc đua bò, anh “tài xế” bò thua cuộc cho rằng người thắng đã chơi xấu, bỏ “bùa” khiến quỷ hiện hình làm bò của anh ta sợ hãi bỏ đường đua chạy trốn. Vì vậy, anh này đã bất chấp cả mạng sống, cố công đi luyện bùa “ếm” để trả thù. Một thời gian sau, bụng người thắng cuộc bỗng dưng to lên, da vàng, mỗi ngày ăn cả năm sáu nồi cơm mà thân hình vẫn ốm nhom như que củi, riết rồi chết… Thực hư câu chuyện chưa được xác nhận.

    Võ bùa "tái xuất giang hồ" ? Vobua3
    Bùa lỗ ban - Ảnh: M.T

    Trận đánh giành đệ tử

    Ông Trần Thanh Tùng (65 tuổi, nhà ở núi Cấm, xã An Hảo, H.Tịnh Biên) nói rằng cha ông là ông Trần Văn Trị (Ba Trị - đã mất) trước đây vừa là thầy võ, vừa học cả bùa lỗ ban. Ông Tùng vẫn nhớ như in lời kể của cha mình trong suốt những năm bôn ba khắp vùng để tầm sư học đạo.

    Ông Ba Trị có món nghề võ khá tiếng tăm, nhưng cuộc sống ở Thất Sơn lúc bấy giờ rất hỗn loạn, trong rừng đầy hùm beo, rắn rết… đe dọa mạng sống con người. Thấy vậy, ông Ba Trị bàn với một đồng môn là ông Tám Đạt cùng đi tìm thầy học bùa lỗ ban. Hai người lên núi tìm tới một hang đá, nơi thầy Hai Đảnh đang ẩn tu. Cạnh bên đó là thầy Hai Mon, cũng là một thầy võ, thầy bùa lỗ ban có tiếng. Khi thấy có 2 người muốn bái sư, 2 ông thầy không ai chịu nhường ai nên quyết phân cao thấp. Họ giao kèo, sau khi đánh nhau, người thắng sẽ được nhận đệ tử dạy. Vốn là người có võ nghệ và đạo phép cao siêu, sợ lúc đánh nhau sẽ gây thương tổn nặng, thầy Hai Mon đề nghị đấu phép, nếu phá được bùa phép của ông thì đệ tử do thầy Hai Đảnh dạy. Cuối cùng, ông Hai Đảnh nhận ông Ba Trị với ông Tám Đạt làm học trò.

    Theo lời ông Tùng, thầy Hai Đảnh giỏi võ, giỏi bùa lỗ ban lắm nhưng ông chỉ làm thuốc trị bệnh cho nhiều người mà không ăn tiền ai hết. Thầy bùa, nhất là thầy lỗ ban đều nghèo. Nhà chỉ là cái chòi lụp xụp. Trị bệnh xong ổng chỉ ăn uống, cúng tổ. “Nhiều người khá giả, thấy thương ổng nên “lòn cửa sau” đưa tiền bạc, đồ đạc cho bà Hai Đảnh, bả nhận. Còn ổng thì bị tổ hành cứ ôm cột nọc lặn hụp dưới sông, mặc trời gió bất lạnh thấu xương. Tới khi nào bả đem đồ trả lại cho người ta thì thôi. Biết vậy nên sau này tía tôi cũng đi khắp nơi chữa bệnh giúp người, không lấy của ai một xu”, ông Tùng nói.

    Mai Tuyết
    vankiemvothusinh
    vankiemvothusinh
    Mới tham gia


    Tổng số bài gửi : 5
    Join date : 28/10/2013

    Võ bùa "tái xuất giang hồ" ? Empty Re: Võ bùa "tái xuất giang hồ" ?

    Bài gửi by vankiemvothusinh Mon Oct 28, 2013 10:45 am

    nghe võ bùa mà bản thân cũng không tin lại có môn võ như vậy. vạy có ai biết hay đâng luyện môn võ này có thể cho mình biết được không ạ. vì bất cứ môn võ nào cũng xứng đáng được phát triển và giữ gìn cho thế hệ sau này cả
    cungdau1132
    cungdau1132
    Thành viên mới


    Tổng số bài gửi : 31
    Join date : 23/04/2013

    Võ bùa "tái xuất giang hồ" ? Empty Re: Võ bùa "tái xuất giang hồ" ?

    Bài gửi by cungdau1132 Tue Oct 29, 2013 9:44 am

    vankiemvothusinh đã viết:nghe võ bùa mà bản thân cũng không tin lại có môn võ như vậy. vạy có ai biết hay đâng luyện môn võ này có thể cho mình biết được không ạ. vì bất cứ môn võ nào cũng xứng đáng được phát triển và giữ gìn cho thế hệ sau này cả
    Muốn học võ Bùa thì bạn về Thất Sơn-Núi Cấm, trên đó giờ vẫn còn Võ Bùa đấy, có điều phải đi tìm thầy rất cực vì đa sô các Danh sư thật sự thì ẩn danh ít thu nhận học trò, còn những thầy mở lớp thu nhận học trò thì toàn là thầy dỏm =))

    Sponsored content


    Võ bùa "tái xuất giang hồ" ? Empty Re: Võ bùa "tái xuất giang hồ" ?

    Bài gửi by Sponsored content


      Hôm nay: Mon Apr 29, 2024 3:56 pm
       

      Cơ quan chủ quản: Cty TNHH Thể dục Thể thao VÕ THUẬT
      ® Không sao chép thông tin từ Forum này khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Ban Quản trị Diễn đàn Sơn Long Đường
      © 2016sonlongduong. All Rights Reserved
      Skin vBulletin 4.0 Rip By Ligerv
      ===

      Đặt quảng cáo của bạn ở đây
      Liên hệ: E-Mail: trungtamthienuy@gmail.com
      Điện thoại:
      Giá thoả thuận
      Kích thước thỏa thuận