NGƯỜI SÁNG LẬP VÀ QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
(Tìm hiểu Võ Thuật tập 2,1991)
Lịch sử Vịnh Xuân võ phái đã được kể nhiều qua tài liệu báo chí, tuy nhiên các tài liệu trên thường có không ít dị biệt. Để bạn đọc có thêm cơ sở đối chiếu khi gặp các dị biệt trên, chúng tôi xin tóm lược một tài liệu do chính cố Chưởng môn Diệp Vấn soạn nói về nguồn gốc và quá trình của môn phái. Tài liệu này đã được xuất bản tại Hong Kong và trích đăng lại trên Tạp chí Vịnh Xuân Kung Fu.
200 Năm trước
Vào khoảng năm 1720, một số biến cố mang tính chất tàn sát nhằm vào những người học võ đặc biệt là môn phái Thiếu Lâm đã xảy ra tại Trung Hoa. Lúc đó, Trung Hoa đang đặt dưới sự thống trị của nhà Mãn Thanh và lâm vào thế gần như bất ổn thường xuyên sự chống đối của người Trung Hoa. Uy danh và thế lực của võ phái Thiếu Lâm khiến đa số dân chúng vẫn hướng về núi Thiếu Thất, Tung Sơn coi như một biểu tượng bất khuất để nuôi hy vọng một ngày nào đó lật đổ ách thống trị Mãn Thanh.
Triều đình đã phản ứng bằng một đối sách nhằm triệt hạ uy danh lẫn sức mạnh của phái Thiếu Lâm. Các thuộc hạ triều đình trong giới cầm bút được lệnh viết ra những câu chuyện bôi nhọ các nhà sư Thiếu Lâm, biến chùa Thiếu Lâm thành một hang ổ tội ác với nhiều trò dâm ô, chém giết… Mặt khác, quân đội triều đình với danh nghĩa “trừ gian khử bạo” mở cuộc hành quân lớn nhắm vào chùa Thiếu Lâm, môn đồ Thiếu Lâm đã chống cự quyết liệt gần như chặn đứng hẳn quân địch tại núi Thiếu Thất. Nhưng vào lúc đó lại xuất hiện một nhóm phản đồ nổi lửa thiêu hủy các cơ sở của chùa Thiếu Lâm mở đường cho tướng Trần Văn Hoa dành thắng lợi. Một cuộc tàn sát đẫm máu đã diễn ra, nhưng phái Thiếu Lâm vẫn có nhiều người trốn thoát trong số có 5 môn đồ cao thủ là Chí Thiện, Miêu Hiển, Phùng Đạo Đức, Bạch Mi và Ngũ Mai.
Người sáng lập và lai lịch
Ngũ Mai Lão Ni chọn chùa Bạch Hạc trên núi Đại Lương Sơn, Tứ Xuyên làm nơi ẩn náu. Lúc đó, tại Quảng Đông có một người tên là Nghiêm Nhị đang bị mưu hại và hành hạ. Nghiêm Nhị góa vợ, chỉ có một đứa con gái nhỏ là Nghiêm Vịnh Xuân. Hai cha con trốn vào Tứ Xuyên, mở quán bán đậu hũ dưới chân núi Đại Lương. Theo cựu lệ, Nghiêm Nhị đã hứa gả Vịnh Xuân cho Lương Bác Trù là một thương gia buôn muối tại Phúc Kiến. Nhưng nhan sắc của Vịnh Xuân lại lọt vào mắt một kẻ có thế lực lớn tại Đại Lương. Ngũ Mai Lão Ni thường giao dịch với cha con Nghiêm Nhị nên biết rõ chuyện này và quyết định giúp đỡ bằng cách đưa Vịnh Xuân lên núi.
Thời gian này, Ngũ Mai vẫn lo ngại về số phản đồ Thiếu Lâm có thể kiếm ra tung tích của bà. Cho nên, bà vừa khổ luyện vừa cố tạo ra những kỹ thuật mới khả dĩ chế ngự kẻ thù khi đối mặt.
Tương truyền, vào một ngày kia, Ngũ Mai tình cờ chứng kiến một con cáo ác chiến với một con hạc. Con hạc trụ một chỗ trong khi con cáo chạy vòng quanh cố tìm cách xông vào cắn đối thủ. Nhưng mỗi lần cáo xông tới đều bị hạc dùng cánh đỡ gạt và dùng mỏ tấn kích.
Quá trình phát triển
Bí quyết Vịnh Xuân Quyền Pháp được chồng của Nghiêm Vịnh Xuân truyền lại cho Lương Lan Quế và Lương Lan Quế chọn Hoàng Hoa Bảo làm truyền nhân. Hoàng Hoa Bảo vốn là diễn viên một đoàn ca kịch vẫn thường ngược xuôi lưu diễn trên một loại thuyền đáy phẳng sơn đỏ theo tập tục đương thời. Do sinh hoạt này, Hoàng Hoa Bảo gặp được một môn đệ chân truyền của Chí Thiện Thiền Sư là Lương Nhị Tỷ. Hai người trao đổi kỹ thuật khai triển Vịnh Xuân Quyền Pháp đồng thời thêm vào kỹ thuật đánh côn vốn là sở trường của Lương Nhị Tỷ do Chí Thiện truyền dạy.
Đây là lần hội diện quan trọng nhất giữa Vịnh Xuân quyền pháp và võ công Thiếu Lâm, ngoài căn bản võ công Thiếu Lâm mà Ngũ Mai lão ni đã thẩm thấu trước.
Lương Nhị Tỷ sau đó trở thành một danh sư về Vịnh Xuân Quyền Pháp và truyền thụ lại cho Lương Tán. Lương Tán là một y sĩ khả kính tại Quảng Đông từng một thời được giới võ lâm đặt cho biệt danh là Vịnh Xuân Quyền Vương. Ông ký thác tuyệt nghệ cho hai người con trai là Lương Bích, Lương Xuân và một đệ tử là Trần Hoa Thuận. Do công việc làm ăn, Trần Hoa Thuận có biệt danh là Trảo Tiền Hoa. Ông tận lực truyền bá quyền pháp Vịnh Xuân ròng rã 36 năm. Khi tròn 70 tuổi, Trần Hoa Thuận thâu nhận thêm người đệ tử thứ 16 lúc đó mới 13 tuổi. Đệ tử này tên là Diệp Vấn. Truyền dạy cho Diệp Vấn chưa được bao lâu thì Trần Hoa Thuận lâm bệnh. Ông nhắc các đại đệ tử phải chỉ bảo hết lòng cho Diệp Vấn vì ông đã nhìn thấy ở cậu thiếu niên này những điều kiện trở thành truyền nhân của môn phái. Do đó, Diệp Vấn được các vị sư huynh là Ngô Tiểu Lỗ, Ngô Trọng Tố, Trần Nhữ Miên, Lôi Nhữ Tế tận tình dìu dắt.
Những bước đường của một truyền nhân
BA BẬC RÈN LUYỆN CỦA VÕ SINH VỊNH XUÂN
Chương trình rèn luyện của môn sinh Vịnh Xuân gồm có 3 bậc: Sơ cấp, Trung cấp, Cao cấp. Chương trình này được hình thành từ thuở sinh thời của cố Chưởng Môn Diệp Vấn và vẫn được áp dụng tiếp tục. Chương trình dựa trên 4 bộ quyền sáo của môn phái là Tiểu Niệm Đầu, Nhị Tự Kiềm Dương Mã, Tầm Kiều và Phiêu Chỉ.
- Sơ cấp: Tập theo hai quyền sáo căn bản là Tiểu Niệm Đầu và Nhị Tự Kiềm Dương Mã. Nhị Tự Kiềm Dương Mã dạy 3 thế tấn căn bản nhằm giúp võ sinh đạt một bộ pháp vững chắc còn Tiểu Niệm Đầu dạy các thủ pháp chủ yếu của môn phái.
- Trung cấp: Vững chắc về tấn và thành thục về thủ pháp rồi, võ sinh sẽ được học tiếp quyền sáo trung cấp là Tầm Kiều. Các bài tập theo Tầm Kiều giúp võ sinh biến hóa thủ pháp và bộ pháp một cách mau lẹ để ngăn chặn hoặc giải trừ các đòn tấn công.
- Cao cấp: Quyền sáo cao cấp mang tên là Phiêu Chỉ dựa trên thành quả học được từ 2 cấp trước sẽ dạy các thế tấn kích bằng cách phối hợp bộ pháp với thủ pháp để tung ra các đòn công thủ biến hóa.
Tóm lại, sơ cấp chủ giúp võ sinh làm chủ được các bộ phận thân thể, thành thục các thế tấn và cách ra đòn, còn trung cấp chủ giúp võ sinh biết cách ngăn đỡ hoặc tiêu giải đòn đánh của các đối thủ, tức chú trọng hoàn toàn về tự vệ. Cao cấp là bậc cuối cùng giúp võ sinh nắm vững kỹ thuật phản công hoặc tấn kích.