HOÀI NIỆM VỀ MỘT ƯỚC MƠ
Diễn đàn Nghiên cứu - Ứng dụng Võ thuật Việt Nam

Viện Nghiên cứu-Ứng dụng và Phát triển Võ thuật Sơn Long Đường

Latest topics

» Những cây đại thụ đất võ Tây Sơn
by dotrongluong Tue Oct 11, 2016 10:06 am

» TÌM HIỂU THƠ ĐƯỜNG
by longquyen Mon Sep 26, 2016 12:57 pm

» THƠ ĐƯỜNG VÀ SỰ HƯNG THỊNH CỦA NÓ
by longquyen Thu Sep 22, 2016 12:45 pm

» Luyện Thái Cực Quyền để có thể phòng trị bệnh tật lâu dài
by dotrongluong Thu Sep 22, 2016 9:31 am

» Tập thơ nửa tỷ đồng, thi phẩm hay “thảm họa”?
by My"Sói" Wed Sep 21, 2016 3:49 pm

» Kể từ giờ...
by My"Sói" Wed Sep 21, 2016 3:05 pm

» NÀNG THƠ TRUNG TRINH
by Hoàng Huy Wed Sep 21, 2016 9:29 am

» Dung Hà: hình xăm bông hồng rỉ máu “ma ám”
by My"Sói" Wed Sep 21, 2016 8:34 am

» Các mỹ nhân xăm trổ cực sexy
by My"Sói" Wed Sep 21, 2016 8:31 am

» Brad Pitt và Angelina Jolie ly hôn - cái kết của kẻ "cướp" chồng?
by My"Sói" Wed Sep 21, 2016 8:16 am

» Cảm nhận về võ đức
by Hoàng Huy Tue Sep 20, 2016 10:55 pm

» Đại dũng là đức tính cao quý của người dụng võ.
by Hoàng Huy Tue Sep 20, 2016 10:53 pm


    HOÀI NIỆM VỀ MỘT ƯỚC MƠ

    kinh
    kinh
    Thành viên mới


    Tổng số bài gửi : 30
    Join date : 11/07/2013

    HOÀI NIỆM VỀ MỘT ƯỚC MƠ Empty HOÀI NIỆM VỀ MỘT ƯỚC MƠ

    Bài gửi by kinh Sat Jul 13, 2013 4:04 pm

    HOÀI NIỆM VỀ MỘT ƯỚC MƠ


    Hồi đó, vào năm 1957, tôi mới 11 tuổi đang học ở lớp cuối cấp Tiểu học Phú Lộc trường làng, cách thành phố Huế khoảng 41km về phía nam dọc theo quốc lộ 1, Huế - Đà Nẵng. Tôi luôn ước mơ mình sau này làm sao có một thân hình thật khỏe mạnh và có võ thuật để tự vệ.
    Với ước mơ ấy đòi hỏi không phải ngày một, ngày hai mà có được, phải biết hun đúc, vun vén lần hồi trong tâm khảm của tôi. Qua nhiều năm tháng kết tinh và nối liền như một sợi dây xích bền vững từ tinh thần đến thể chất, bầu máu đó đã được luân lưu trong huyết quản của tôi mà ký ức đang mơ về và làm sao có được trong tương lai. Sau đó, vào năm 1960, tôi đã rời khỏi trường trung học Bồ Đề Thành Nội rồi đến theo lớp Đệ Tứ của trường Phạm Hồng Thái nằm ở góc cạnh ngã tư đường Đinh Bộ Lĩnh và Mai Thúc Loan, Huế. Thời gian này tôi ở Viện Bảo Anh, lúc rãnh rỗi bắt đầu rèn luyện cơ tay, xô, ngực và cơ bụng, tập nhịp thở, đu hít Pa - ra - phích để phát triển chiều cao. Theo tiến độ thời gian Xuân Hạ Thu Đông… tôi đã rất kiên trì và chịu khó tập luyện thể hình dựa trên cuốn “Bắp thịt trước đã” của Phạm Văn Tươi. Nhờ lòng đam mê và chịu khó, sau hơn hai năm tôi đứng trước gương soi thấy thể hình đã có phần thay đổi, tương đối khỏe mạnh, các cơ bắp của tay chân rắn rỏi. Đấy là sự thành công của tôi trong ước mơ ban đầu. Tuy nhiên, cũng như nhiều thanh niên thời ấy, sở thích của tôi lúc bấy giờ là những phim võ thuật Hồng Kông, kết cấu của những đòn đấm, cú đá độc hiểm, tuyệt chiêu quỹ khóc thần sầu, nào là của Khương Đại Vệ, Địch Long, La Liệt, Vương Vũ, Trần Tinh, Sương Điền Bảo Chiêu, Lương Tiểu Long, Lý Tiểu Long, v.v… Và với những phim mang tính thần thoại thời Cổ đại Hy Lạp, La Mã…hình ảnh vạm vỡ của người đại lực sĩ anh hùng Hercule, Samson… đã có những cuộc đọ sức qua những trận đấu bất khả chiến bại với những con thú dữ như: hổ, sư tử, tê giác, bò rừng…
    Tháng 7 năm 1964, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn anh em quá đông, tôi là đứa con kế trưởng phải rời xa Viện Bảo Anh đi kiếm việc làm để có tiền nuôi sống bản thân. Tôi đã bỏ lại không biết bao nhiêu sự nuối tiếc trong tuổi đời của một đứa học trò nghèo, nhờ Viện Bảo Anh nuôi dưỡng, là nơi có hơn 250 học sinh từ 10 đến 18 tuổi ở rải rác khắp các tỉnh, thị miền Trung (Trung Nguyên Trung Phần) quy tụ về đây nhờ sự bảo trợ của Nha cứu tế xã hội nuôi cho ăn học… Nơi đây, tôi có 8 năm ăn, ở, học hành, đã có không biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn cùng bạn bè trang lứa khó quên… Mà nay, tuổi đời đã sáu mươi sáu, trong ký ức tôi vẫn luôn nhớ thương và yêu mến Viện Bảo Anh – gia đình thứ hai nơi đã nuôi tôi khôn lớn thành người. Sau thời gian tôi đã cố gắng vượt qua hai lớp Đệ Tam và Đệ Nhị của một trường tư thục tại Huế. Với mảnh bằng Trung học Đệ Nhất cấp hồi đó thi cho đậu được nó cũng không phải là chuyện dễ. Nhờ đó, tôi thi đỗ vào Ty Thông tin Thừa Thiên, làm việc tại số 47 Trần Hưng Đạo (hiện nay là Nhà sách Phú Xuân). Sau đó, kể từ tháng 1 - 1972, tôi được biệt phái đào tạo làm phóng viên tại Đài Phát thanh Huế. Lúc này, tôi đã lập gia đình, vợ chồng tôi phải có trách nhiệm phụ giúp cùng ba mẹ ở quê nghèo, nuôi cơm cho một chú em trai đi học tại trường Trung học Đệ Nhất và Đệ Nhị cấp công lập Hàm Nghi Huế. Để kiếm thêm tiền, những ngày nghỉ, ngày lễ, tôi phải chịu khó đi vẽ thuê, viết mướn để dành dụm cho các khoản chi tiêu, tích lũy…
    Võ thuật lúc này đối với tôi là cả một sự ước mơ, nhất là môn võ Karate thời danh mà tôi chỉ biết qua sách báo: có nhiều danh sư Karate đã đánh chết hổ, chặt gãy sừng bò rừng bằng tay không. Cơ duyên đến với Karate của tôi vào một buổi sáng Chủ nhật giữa mùa hè năm 1967, từ nơi căn nhà thuê ở kiệt 1 đường Nguyễn Hiệu, thành nội, tôi lần xuống đường Mai Thúc Loan ra cửa Đông Ba lên Cầu Đen rồi đi xuống bên kia sông Bạch Đằng, vào tham quan Võ đường Linh Trường Không Thủ Đạo số 08 đường Võ Tánh (hiện nay là đường Nguyễn Chí Thanh, Thành phố Huế) để xem dạy võ Karate. Sáng nay, ở đây có tổ chức một cuộc thi Đai Nâu, tất cả võ sinh trong võ phục chỉnh tề được xếp thành ba hàng dọc, mỗi hàng sáu em, đều lặng im lắng nghe kiểm diện, sau đó các thí sinh tỏa ra hai bên ngồi hình chữ U một cách ngay ngắn, lịch sự, cứ lần lượt theo tiếng gọi tên của huấn luyện viên tiếp nối ra sân nghiêm chào chờ đợi. Ai nấy đều phải hô to tên bài quyền của mình rồi mới được trổ tài trình diễn. Hết người này đến người nọ, hết bài này đến bài kia thân pháp tiến thối, xoay trở, trông dáng bộ ai ai cũng hùng hồn, tay chân đấm đá, gạt đỡ trông thật đẹp mắt. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi mới thấy tận mắt của cái quyền cước là thế, võ thuật là vậy, khác xa một thời tôi đã thần tượng các nhân vật võ thuật Hồng Kông, tất cả chỉ là kỹ xảo phim ảnh của nghệ thuật thứ bảy! Tôi đang chăm chú nhìn sững một đứa bé trạc tuổi mười một, mười hai, đầu tóc cắt ngắn ba phân, khuôn mặt bầu bĩnh, nước da trắng trẻo trông dáng dễ thương, đi biểu diễn một bài quyền xem thật linh hoạt, xoay trở thân thủ lẹ làng, mềm dẻo có nhu có cương, với cánh tay mỗi khi chém ra xem tưởng chừng như một lưỡi dao sắc bén phắt ngang vùng cần cổ đối phương, những quả đấm trước có một tốc độ thật nhanh, mạnh và chuẩn xác. Càng xem tôi càng mê thích! Lúc này, những mao mạch của máu trong toàn thân thể tôi tưởng chừng như bị kích thích bừng nóng lên cả người, nảy ra một quyết tâm là phải đi học và rèn luyện cho bằng được để thành công môn Karatedo này. Nhờ sau này vào đây tập luyện mới biết đứa bé đi quyền biểu diễn ngày thi hôm đó là Ý – tên người con trai út của thầy Choji Suzuki, trình diễn bài Yen Kata Shodan, đó là một trong những bài quyền của Hệ phái Suzucho Karatedo có nguồn gốc từ Take No Uchi Ryu - một hệ phái cổ truyền ở Nhật Bản mà thầy đã đưa vào trong chương trình cấp Nâu, Đen. Bài quyền trên gồm có hơn 50 thế võ, được tiết tấu qua một đồ hình dựa trên những điểm A, B, C… kỹ thuật bài quyền được chứng minh qua toán học, vật lý học. Các đòn chân tay, các thế tấn, thủ, tiến, thối, xoay trở qua lại, khi thuận lúc nghịch một cách lẹ làng, được phân tích cho thấy sự lợi hại cũng như về kỹ năng rất tinh tế tuyệt vời. Chương trình thi được Thầy ấn định cho các đai: Xanh, Xanh một tấc Nâu, đai Nâu một tấc đen, rồi cuối cùng là thi lên đai Đen, với 3 môn thi: Quyền – còn gọi là Kata, Đấu – gọi là Kumite và cuối cùng là Công phá – Tameshi Wari. Trong đấu pháp Karatedo, thân thể của hai đối thủ đòi hỏi các chân tay luôn luôn va chạm, cọ sát lẫn nhau và dùng sức đấu trí với nhau để rèn cho mình có được phản xạ của tứ chi nhạy bén, có như thế khi gặp đối phương hung hãn ngoài đời thì khả năng tự vệ mới thực dụng hiệu quả. Phần này được đặt nặng sau những buổi tập của võ sinh, càng tập đấu nhiều càng tốt.
    Đến lượt thi đối kháng, tôi thấy một đấu một… từng cặp, từng cặp được gọi tên ra sân và nối tiếp. Xem các trận đấu thật hấp dẫn và ác liệt, ai ai cũng muốn tranh phần thắng về mình, không ai chịu thua ai, những đòn chém, đấm, đá của đôi bên tung ra như vũ bão, những cú đá nghe vun vút lia lịa. Xem ra nếu đối thủ không kịp tránh đỡ thì sự nguy hiểm có thể xảy ra với những đòn bước lướt chắn chân giật nhanh vào bụng, vào mặt đối thủ (Okuri Yoko Geri), những đòn đá mang tính nghịch trả quay ngược gót chân vào vùng mặt, Thái Dương (Ushiro Mawashi Geri)… Tất cả nội dung thi, tôi đều được chứng kiến một cách tường tận, sau cùng là một trận đấu then chốt giữa hai Đai Nâu đấu với một Đai Đen mang tính giao hữu biểu diễn. Tôi thấy trong lối tấn thủ của đôi bên thật kín đáo, không ai để hở thân pháp trong chiến đấu. Bỗng nghe một tiếng “Kiai!” (Ei) thét lên thật lớn trong căn phòng, tưởng chừng như tiếng rống của một con hổ sắp sửa vồ mồi, một gót chân của anh Đai Đen giật ngược lên cao quá đầu chẻ bổ mạnh xuống (Sage Kakato Geri) xước trượt sườn vai đối phương chạm vào nền xi măng một tiếng “thùng” nghe thật khiếp vía! Còn anh Đai Nâu kia phải nhào lộn, lăn ra giữa sân nền nhổm dậy trông mặt mày nước da xanh mét. Trong góc phòng một anh đứng với một tư thế thủ thật vững vàng chờ đợi… Cũng may là gót chân của anh Đai Đen kia không hề gì. Ghê thật! Ai nấy đứng xem phải lắc đầu, thè lưỡi.
    Hấp dẫn nhất là khi xem môn Công phá, cả một đống gạch được để sẵn một bên, những viên gạch được mua ở lò về đang còn mới tinh, bề dày khoảng độ 3cm. Tôi thấy người chuyền, người sắp, kẻ chồng 4 viên, 5 viên và có một hai chồng lên cao đến 6 viên, mỗi thí sinh phải công phá bắt buộc 4 chồng tất cả, và phải hoàn thành cả 2 tay chém, 2 tay đấm. Số gạch được chấm theo tỉ lệ đã bị phá vỡ. Trước khi thi môn này, tất cả thí sinh đều được nghe dặn dò kỹ lưỡng của huấn luyện viên, vì sợ rằng các em không có độ chuẩn về kỹ thuật sẽ sinh sái khớp tay, hoặc gãy tay. Muốn chém hoặc đấm phải hạ tấn trước (Zenkutsu Dachi). Nếu muốn chém phải dùng xương cạnh bàn tay để chém, muốn đấm phải bóp nắm tay lại thật chặt để đấm. Số gạch được tăng lên, giảm xuống tùy theo sức khỏe, tuổi tác, vóc dáng và tính theo khoảng độ hạng cân để ấn định cho vào chồng gạch của thí sinh sắp thi. Trước khi hạ chém, hạ xuống đấm phải hít hơi vào thật mạnh rồi nín thở (vận nội công) kèm theo tiếng thét Kiai! Lần lượt trong cuộc thi có những chồng gạch bị phá vỡ hoàn toàn và cũng có những chồng gạch còn sót lại một vài viên không bể. Bên ngoài có rất nhiều người la ó, vỗ tay cổ động tán thưởng một cách nồng nhiệt, gây tinh thần cho các em dự thi được phấn chấn để cố gắng nhiều hơn.
    Sau tiếng xúp lê thổi lên báo hiệu cuộc thi chấm dứt, tất cả xếp lại ngồi thành hàng và im lặng để nghe huấn luyện viên hội ý hoặc trò chuyện…
    Tôi rời nơi đây đi ra tới văn phòng của căn nhà trước, trịnh trọng đến gặp cô Reiko Suzuki – vợ của thầy Suzuki để xin đơn nhập môn. Tôi không còn gì để đắn đo suy nghĩ nữa, lá đơn được viết xong và ký tên vào dưới những lời mình xin hứa cam kết. Sau khi dò hỏi về bản thân và gia đình, tôi được cô bán cho một bộ đồ võ, một phù hiệu của hệ phái, kèm một dây đai bằng vải màu trắng biểu hiện một tân võ sinh mới nhập môn. Tôi còn được nghe cô nhỏ nhẹ dặn dò giờ giấc tập luyện và nhắc đi nhắc lại thêm về ngày giờ khai giảng sắp đến của khóa tập. Thế là tôi tập trong một tuần có ba buổi tập từ 18 giờ đến 19 giờ vào mỗi tối thứ hai, thứ tư và thứ sáu, còn những ngày khác được nghỉ.
    Sau một thời gian khá dài tập luyện tại đây, tôi đã có đẳng cấp tương đối để được gặp mặt và biết hầu hết các Sư huynh, Sư đệ. Ngoài anh Nguyễn Nhuận là người học trò đầu tiên của Thầy (giảng viên Đại học Khoa học, đã qua đời), người học trò thứ hai là anh Trần Đình Tùng (bác sĩ Quân y, bây giờ ở Hoa Kỳ) làm Trưởng tràng, thứ ba là anh Ngô Đồng (đã mất), sau đó là anh Khương Công Thêm, anh Nguyễn Xuân Dũng (T.S Kinh tế học, anh Dũng đã mất ở Hoa Kỳ), anh Hạ Quốc Huy (họa sĩ, ở Hoa Kỳ), anh Hồ Văn Ngọc (ở Hoa Kỳ), anh Ngô Văn Thanh, anh Võ Đại Vạn, anh Hoàng Như Bôn, anh Dương Đình Vinh, anh Nguyễn Bá Kiều, anh Cao Xuân Minh Tú (anh Tú ở Hoa Kỳ), anh Trần Định, anh Trương Dẫn, anh Hoàng Như Thoại, anh Trần Văn Thuận. Sau nữa là các anh Ngô Văn Qúy (Kỹ sư điện Tử ở Silicon Valley, là chồng của chị Mỹ - Trưởng nữ của thầy Suzuki ở Hoa Kỳ), anh Huỳnh Tiến, anh Nguyễn Tấn Kiệt, anh Nguyễn Thông, anh Nguyễn Văn Hóa, anh Trương Đình Hùng, anh Nguyễn Văn Dũng, anh Phan Hữu Bốn, anh Trần Văn Lợi, anh Phạm Phú Ngọ, anh Phan Chi (họa sĩ), anh Nguyễn Đăng Lộc, anh Nguyễn Ngọc Thạo, anh Trần Chuẩn, anh Lý Văn Pháp, anh Nguyễn Mạnh Thắng, anh Nguyễn Thành Tự, v.v… và rất nhiều anh em đồng môn thân thương khác.
    Lượt qua vài nét để tìm hiểu về nhà riêng của thầy Suzuki, đây cũng là nơi dùng làm Võ đường, thầy dạy Judo và Karatedo là hai môn võ có từ đất nước xứ hoa anh đào, thầy sinh ra và lớn lên ở thành phố Miyagiken, Nhật Bản. Sau Đệ nhị thế chiến, thầy lưu lạc qua Việt Nam. Thầy làm việc ở Huế và Đà Nẵng, gia đình ở Huế cùng vợ và 3 con: chị Mỹ, anh Đức và anh Ý, còn cô là một phụ nữ Việt Nam đảm đang, hiền hậu người gốc Bình Định. Đó là dãy nhà không được rộng rãi cho mấy, bề ngang khoảng chừng hơn 6m, phía tay trái nhìn ra trước mặt, các phòng được nối tiếp nhau với một con hẻm nhỏ bề rộng chưa được 2m. Phòng mặt tiền dùng làm nơi văn phòng tiếp nhận võ sinh, may và bán quần áo võ, bán đồng hồ, các loại dụng cụ tập võ qua những tủ kiếng đứng, nằm và các đồ đạc linh tinh khác. Gác trên là nơi ăn ở sinh hoạt của gia đình Thầy. Tiếp đó là phòng ăn, bếp, tính diện tích phòng chưa tới 20m 2, một bộ bàn nhỏ để đầy nước uống trong bình, chai, có ly, tách… dành cho gia đình, huấn luyện viên và võ sinh, toàn là nước sôi để nguội. Còn hai phòng được xây nối nhau, mỗi phòng có diện tích khoảng chừng 30m 2, phòng kế bếp có lót nệm rơm có độ dày được thầy dùng làm nơi tập Nhu đạo, những giờ Nhu đạo nghỉ thì Karatedo vào tập. Còn một phòng kế tiếp láng xi măng dành cho các khóa Karatedo được chia giờ: sáng, chiều và tối vào các ngày từ thứ hai đến thứ bảy, riêng chiều chủ nhật đặc biệt dành cho các khóa đai nâu, đai đen tập trung lại đấu phối hợp…Chương trình huấn luyện đào tạo được phân định rõ ràng cho từng cấp: trắng, xanh, nâu, đen. Thời gian mới nhập môn được học kỹ, đòi hỏi các võ sinh trước hết phải học phép tắc, lễ nghĩa, phải tập cách thắt đai, sửa sang lại áo quần võ cho thật gọn gàng, tập nghiêm nghỉ, tập chào vào chào ra, chào ngồi xuống, đứng lên. Sau một vài buổi tập được duyệt xét, kiểm tra từng tập thể, cá nhân… đâu vào đó rồi mới tập các tấn pháp, rất nhiều các thế tấn, thế thủ, kỹ thuật cho các đòn rời của chân tay, tập thực hành phối hợp các đòn như chém (Shuto Uchi), đỡ (Uke), đấm (Teken Tsuki), xỉa (Nukite), tạt ngang (Ura Ate)… Theo đó, các võ sinh từ đai trắng lên đai xanh phải tiếp thu và thuộc các bài quyền như: TJ Kata, HJ Kata, Yoko Kata 1,2,3,4,5 và 5 bài Bình An (Heian) 1, 2, 3, 4, 5, cùng với các bộ tay (Te Waza) 1, 2, 3, 4, 5, 6… Các võ sinh từ đai xanh trở lên phải học Te Waza 50 thế, Uke Waza, Te Ashi Waza, các đối luyện (Ozodosa), một đối một, một đối hai… còn gọi là nhất thế đối luyện, nhị thế đối luyện và tam thế đối luyện, được phân thế trong các bài quyền Yen Kata 1, 2, 3, 4, 5, 6 và Maki Kata 1, 2, 3…Trước khi vào buổi tập, tất cả đều được huấn luyện viên cho võ sinh trong khóa khởi động làm nóng người từ mặt, cổ, eo, bụng, cùng dẻo dai cho các khớp tay chân, xoa bóp nhuyễn gối, xoạc, hít thở, hít đất, chạy dậm chân tại chỗ… đúng phương pháp để tránh sự xâm xoàng, chuột rút hoặc các tai biến đột xuất khác. Ngoài ra, võ sinh còn phải tập nhiều với trụ gỗ có bọc vải, cao su (Makiwara) để tập chai lì các nắm đấm, tập luyện xương tay chém… để sau này dùng tốt và có kết quả trong môn công phá. Quan niệm lối dạy Karatedo theo hệ cổ truyền của Thầy, võ sinh tập đấu phải có vốn liếng kỹ thuật đòn thế tập luyện, tập lâu dài thành thạo, đấu tư do không ai nhường ai, thắng thua tuỳ năng lực của huấn luyện viên trưởng làm trọng tài phân xử và chẳng có luật lệ như Karatedo hiện đại mang tính thể thao ngày nay. Do vậy, đòi hỏi các võ sinh phải năng động sáng tạo trong đấu pháp, đấu nhiều thì các phản xạ của mắt, chân tay và cả trí tuệ có trình độ xử lý nhạy bén, có kết quả hơn. Lúc bấy giờ, hai bên giao đấu không có mũ bảo hộ, áo giáp, găng tay như các cuộc thi đấu Karatedo hiện nay, chỉ trừ ra có một cặp Cuki dùng cho cả hai đối thủ khi giao đấu để bảo vệ phần nào của vùng hạ bàn. Khi giao đấu chỉ cấm một vài ba đòn thế của chân tay mang tính sát thương nguy hiểm, còn các đòn khác được dùng đấu tự do theo sở trường, được tính đến khi hạ (Knockout) đối thủ. Do đó việc tập đấu, thi đấu, thỉnh thoảng xảy ra gãy chân, sưng tay, u đầu, máu chảy, gãy răng, phù mặt… là “chuyện thường ngày ở huyện” không thể tránh khỏi. Đặc biệt, một vài bậc đàn anh đầy đủ phẩm chất đạo đức mới được thầy chỉ dạy riêng cách sử dụng vũ khí thuộc Hệ thống Kobudo (tiền thân của Karate) như Nunchaku, Sai, Bo, Tonfa… Cho nên những thành viên đai đen, có đẳng cấp trở lên của Thầy gần như hầu hết có một số vốn liếng về đòn thế sắc bén và chắc nụi, bảo đảm cho sự phòng vệ bản thân. Còn ai tập tành mang tính nhút nhát, yếu bóng vía, sợ đấu đều phải bỏ cuộc giữa chừng. Điều này cũng có thể chứng minh được vào bước đầu võ sinh nhập môn rất đông nhưng đến khi thành đạt chỉ còn lại một số rất ít. Đạo đường Suzucho Karatedo hồi đó nội quy rất nghiêm khắc, Thầy coi trọng chất lượng và đạo đức học tập hơn là phong trào thể thao. Việc lấy Chứng thư Huyền đai Hệ phái Suzucho Karatedo của Giáo sư Choji Suzuki là không phải chuyện dễ. Họ nhận được cả một phần thưởng có giá trị lớn lao trong đời người từ tinh thần lẫn thể chất, rất xứng đáng cần phải được tôn vinh, họ luôn giữ gìn nâng cao giá trị truyền thống Võ đạo, biết tu dưỡng rèn luyện và phát triển Võ học.
    Từ năm 1975, chiến cuộc chấm dứt, đất nước Việt Nam đã đổi thay, tôi cũng như các thành viên trong đại gia đình Hệ phái mỗi người một hoàn cảnh nên không còn tập trung ở đó để cùng nhau học hỏi, rèn luyện võ thuật và sinh hoạt ở Đạo đường nữa. Mỗi huynh đệ chúng tôi đều có một hướng đi riêng để xây dựng lại cuộc sống mới và làm lại từ đầu. Tuy nhiên, anh em chúng tôi luôn nhớ đến Thầy, Cô và canh cánh bên lòng tìm cách phát triển hoặc quảng bá hệ phái bằng nhiều hình thức. Sau đó, Thầy, Cô và các anh chị đều hồi hương trở về sống với những người thân của thầy ở Nhật Bản. Đến ngày 06 tháng 2 năm 1995, một cơn bão tố đau buồn đã đưa tới chúng tôi: Thầy Choji Suzuki đã trút hơi thở cuối cùng và vĩnh viễn ra đi. Thầy chưa kịp về thăm lại đất nước Việt Nam như đã ước nguyện. Hằng năm vào ngày tháng trên tất cả mọi nơi các cao đồ, môn đồ cùng các môn sinh trong Hệ phái Suzucho Karatedo đều thắp hương để tưởng nhớ công đức của thầy. Vị Sáng tổ đã mang Karatedo vào đất nước Việt Nam năm 1944, lưu lại cho chúng ta những gì cao quý và tốt đẹp nhất đó là “Văn hóa đạo đức của người Võ sĩ đạo”.
    Sau nhiều năm bôn ba loanh quanh tha hương nhiều nơi chốn, tôi trở về trên mảnh đất quê hương Cầu Hai, Phú Lộc. Đến ngày 14 tháng 6 năm 1979 tôi đã đem hết mọi cố gắng nỗ lực trước hoàn cảnh rất khó khăn của mình mạnh dạn mở một sân tập tại quê hương. Với những thăng trầm chuyển dịch trong cuộc sống, với một hoài niệm ước mơ của tuổi đời ngây thơ ngày hôm ấy! Mà ngay chính hôm nay là ngày vui sướng nhất trong cuộc đời tôi, đó là ngày được Sư mẫu Reiko Suzuki và Trưởng nữ Michiko Suzuki từ Nhật Bản trở về Việt Nam ghé thăm Bộ môn Karatedo huyện Phú Lộc vào chiều Chủ nhật (05 - 4 - 2008). Tháp tùng phái đoàn còn có các cao đồ, anh chị em rất thân quen trong đại gia đình trường phái ở Huế. Ngoài ra, còn có sự hiện diện của lãnh đạo TDTT huyện Phú Lộc cùng đông đảo phụ huynh võ sinh đến tham dự. Để khép lại chuỗi hoài niệm của một thời, tôi xin mạn phép được trích một đoạn báo cáo qua diễn văn đọc trong buổi lễ tiếp đón Sư mẫu: “… Sau những ngày quê hương giải phóng, đến tháng 6 năm 1979, con đã mạnh dạn mở một lớp tập, ban đầu với khoảng chừng 50 em thanh thiếu niên trong địa phương, được huấn luyện tại sân nhà ở khu vực 9, thị trấn Phú Lộc, còn gọi là Cây số 3, Bạch Mã. Việc tập luyện nhờ có kỷ cương, nề nếp, tựu trung qua năm tháng, đào tạo được một số thành viên có đẳng đai như: Nguyễn Khánh, Hồ Xuân Trí, Cái Hữu Dĩnh, Lê Hòa, Trương Văn Điệp, Đoàn Xí, Nguyễn Văn Phước, Trần Đại Minh, Mai Tuấn Anh, Nguyễn Văn Phúc, Lưu Như Mạnh (Hà Tĩnh), Huỳnh Ngọc Huấn, Trần Thị Hiếu, Nguyễn Văn Toàn (VĐV trường năng khiếu tỉnh), Hoàng Như Hòa (VĐV trường năng khiếu tỉnh), Đinh Bá Sơn (Quảng Bình), Hoàng Như Long, Trần Văn Phước (VĐV trường năng khiếu tỉnh), Ngô Tú, Lê Ngọc Tiến (Hà Tĩnh), Nguyễn Xuân Lộc, Nguyễn Đức Bình, Nguyễn Đình Quốc Thái (VĐV trường năng khiếu tỉnh, là cháu gọi bác ruột), Hoàng Thị Anh Đào, Lê Nguyên Phương, Phạm Thị Mỹ Hạnh, Lê Nguyên Minh Chính, Lê Văn Việt, Lê Ngọc Diệu (Hà Tĩnh), Hà Văn Phước, Nguyễn Ánh, Nguyễn Ngọc Phin, Mai Thị Lý, Nguyễn Thu Hoài… Do đó, Bộ môn cũng đã cho phát triển nhiều Câu lạc bộ Karatedo ở rải rác khắp trên các xã thuộc địa bàn huyện Phú Lộc, kể cả vùng sâu vùng xa như ở thị trấn Khe Tre, huyện Nam Đông, và các xã ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế có tổng số võ sinh trên 500 em theo học, đa số các Câu lạc bộ trên không được đầy đủ tiện nghi. Tất cả đều phải thuê mướn hợp đồng. Tuy nhiên phong trào Karatedo huyện Phú Lộc đã được lãnh đạo TDTT huyện, Sở TDTT tỉnh cũng như ông Trưởng bộ môn Karatedo Thừa Thiên Huế luôn đánh giá là một phong trào đã gặt hái nhiều thành tích cao trong tỉnh. Tính từ năm 1990 bắt đầu có cuộc tranh giải tỉnh Thừa Thiên Huế đã có hàng ngàn võ sinh theo học và có hơn 300 em được cấp Chứng thư Huyền đai. Việc tham gia tranh giải cũng đã gặt hái những thành tích đáng kể như: - Huy chương cấp Tỉnh: 06 vàng, 08 bạc, 37 đồng - Huy chương cấp Quốc gia: 08 vàng, 12 bạc, 32 đồng Ngoài ra, với bản thân của con – Người lãnh đạo Bộ môn Karatedo huyện Phú Lộc, đã được Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái, Chủ nhiệm Ủy ban thể dục thể thao Nhà nước trao tặng Huy chương cao quý “Vì sự nghiệp TDTT” ký ngày 02 - 4 - 2005 vừa qua. Và mới đây, em Lê Văn Minh, vận động viên Phú Lộc đã giành được Huy chương đồng ở Mã Lai giải châu Á mở rộng.
    Hôm nay, mặc dù Thầy không còn nữa, nhưng còn có Sư mẫu, còn có Thầy Tokuo Suzuki - Chưởng môn đời thứ hai, còn có Chánh Văn phòng Chưởng môn Haruo Suzuki (Ngô Văn Qúy) và các anh chị trong gia đình Thầy, Cô là cả một sự động viên rất lớn đối với chúng con ở Việt Nam. Chúng con xin nguyện hứa sẽ mãi mãi với truyền thống Suzucho Karatedo ngày càng vinh quang tốt đẹp và ước mơ rằng: Ngọn đuốc tuệ của Trường phái Suzucho Karatedo luôn luôn được nâng cao giữa bầu trời Việt Nam và lan tỏa khắp trên thế giới…” Với hoài niệm về một ước mơ, đó là một trong những hành trang của cuộc đời say mê văn - võ mà tôi cho là ý vị nhất. Nhưng nếu những ai không cần nó thì cuộc sống sẽ kéo dài một cách lê thê vô nghĩa. Vâng, chính nhờ nó làm dấy động lên một phần nào trang sử của đời tôi, trước ngưỡng cửa đời người “Thất thập cổ lai hy”. Thời gian là chuỗi ngày dài qua 46 năm xa cách anh em, bạn bè tính từ 1964, nhớ lại năm đó tôi rời xa Viện Bảo Anh. Lắm lúc, nghĩ lại về cuộc đời mình, gợi nhớ về các anh em khi đang còn sống ở Viện Bảo Anh. Ở đây chúng tôi đã được nuôi ăn cùng ở, ngày hai buổi cắp sách đến trường không ngoài hướng tới cho mình có một tương lai huy hoàng tốt đẹp! Cuộc sống ngày xưa ấy hôm nay không còn nữa. Thú thật, chỉ còn lại ở lòng tôi với bao nỗi tiếc nuối, bồn chồn, nhớ nhung, xúc động… xúc động đến nỗi không cầm được nước mắt. Ôi! Những giọt nước mắt thấm thía vô cùng ý nghĩa. Nó không hời hợt vô tình như những ngọn sóng lao xao vỗ bờ rồi dập tan bao bọt biển. Những giọt nước mắt chảy xuống cho chính bản thân tôi, cho ba mẹ tôi, cho các anh, cho bạn bè, và nhất là cho những ai đã từng sống dưới mái nhà thân yêu Viện Bảo Anh thì xin hãy thương yêu nhau, đoàn kết như ngày nào. Vì chính nhờ có Viện Bảo Anh nuôi dưỡng tôi một đoạn đường đời gian truân và nhờ có Đạo đường Suzucho Karatedo của Thầy, Cô Choji Suzuki dưới chân cầu Đông Ba ngày xưa ấy để tôi nương náu, rèn luyện thể chất, tinh thần, tu dưỡng đạo đức để vươn lên và nhất là hành trang trong đời của tôi vẫn còn nguyên vẹn cái tâm Võ đạo, nên hôm nay tôi thành người và có được…

    Cầu Hai, Phú Lộc, Xuân 2010
    NGUYỄN ĐÌNH KỈNH
    Sáng lập Phân đường Shiro Uma - Trưởng môn Karatedo Phú Lộc
    Huyền đai Đệ Thất đẳng

      Hôm nay: Sun Apr 28, 2024 11:29 am
       

      Cơ quan chủ quản: Cty TNHH Thể dục Thể thao VÕ THUẬT
      ® Không sao chép thông tin từ Forum này khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Ban Quản trị Diễn đàn Sơn Long Đường
      © 2016sonlongduong. All Rights Reserved
      Skin vBulletin 4.0 Rip By Ligerv
      ===

      Đặt quảng cáo của bạn ở đây
      Liên hệ: E-Mail: trungtamthienuy@gmail.com
      Điện thoại:
      Giá thoả thuận
      Kích thước thỏa thuận