CHÀO TRONG KARATE
Diễn đàn Nghiên cứu - Ứng dụng Võ thuật Việt Nam

Viện Nghiên cứu-Ứng dụng và Phát triển Võ thuật Sơn Long Đường

Latest topics

» Những cây đại thụ đất võ Tây Sơn
by dotrongluong Tue Oct 11, 2016 10:06 am

» TÌM HIỂU THƠ ĐƯỜNG
by longquyen Mon Sep 26, 2016 12:57 pm

» THƠ ĐƯỜNG VÀ SỰ HƯNG THỊNH CỦA NÓ
by longquyen Thu Sep 22, 2016 12:45 pm

» Luyện Thái Cực Quyền để có thể phòng trị bệnh tật lâu dài
by dotrongluong Thu Sep 22, 2016 9:31 am

» Tập thơ nửa tỷ đồng, thi phẩm hay “thảm họa”?
by My"Sói" Wed Sep 21, 2016 3:49 pm

» Kể từ giờ...
by My"Sói" Wed Sep 21, 2016 3:05 pm

» NÀNG THƠ TRUNG TRINH
by Hoàng Huy Wed Sep 21, 2016 9:29 am

» Dung Hà: hình xăm bông hồng rỉ máu “ma ám”
by My"Sói" Wed Sep 21, 2016 8:34 am

» Các mỹ nhân xăm trổ cực sexy
by My"Sói" Wed Sep 21, 2016 8:31 am

» Brad Pitt và Angelina Jolie ly hôn - cái kết của kẻ "cướp" chồng?
by My"Sói" Wed Sep 21, 2016 8:16 am

» Cảm nhận về võ đức
by Hoàng Huy Tue Sep 20, 2016 10:55 pm

» Đại dũng là đức tính cao quý của người dụng võ.
by Hoàng Huy Tue Sep 20, 2016 10:53 pm


    CHÀO TRONG KARATE

    suzucho karate
    suzucho karate
    Thành viên mới


    Tổng số bài gửi : 12
    Join date : 12/09/2013

    CHÀO TRONG KARATE Empty CHÀO TRONG KARATE

    Bài gửi by suzucho karate Thu Sep 12, 2013 11:09 pm

    CHÀO TRONG KARATE

    SUZUCHO KARATEDO RYU
    5 ĐIỀU TÂM NIỆM
    1. Nguyện rèn luyện Không Thủ Đạo để có một tinh thần trong sáng trong một thân thể khoẻ mạnh.
    2. Nguyện dẹp bỏ tự ái để trau dồi nghệ thuật, gặp ân oán chỉ giải chứ không kết.
    3. Nguyện trấn tĩnh chịu đựng mọi thử thách, thắng không kiêu, bại không nản.
    4. Nguyện luôn sống giản dị, trung thực và cao thượng.
    5. Nguyện chấp hành nghiêm túc Môn quy của Hệ phái.

    Cách chào truyền thống (Koden Rei):
    Cúi đầu chào là cách ứng xử văn hoá, nghi thức của người phương Đông với người đối diện. Chào đối với Karatedo là Lễ tiết (lễ nhớ ơn, động tác kính lễ, ôn lại tuyên hứa 5 điều tâm niệm). Chào là cánh cửa đầu tiên mở vào tòa nhà triết lý, kỹ thuật, đối kháng, quyền pháp của Karatedo. Vì vậy, người mới nhập môn cần tập luyện thuần thục, nghiêm túc và trang trọng. Karatedo gồm có chào truyền thống, chào thể thao hiện đại và chào ngồi. Sau đây, chúng tôi giới thiệu cách chào truyền thống:
    - Từ tư thế chuẩn bị (Jumbi), bạn khép chân phải lại người thẳng đứng, hai gót chân chụm vào nhau mở ra hai bên tạo một góc 60 0 thành tấn chữ V (Musubi Dachi). Hai tay bạn mở ra buông thẳng ép nhẹ sát vào phía ngoài, chú ý vào người đối diện.
    a) Bạn cúi đầu chào, thân trên tạo một góc 30 0, sau đó thân trên chuyển động như một mặt phẳng để trở về vị trí ban đầu.
    b) Tiếp theo, chân phải bạn dang ra bằng vai, hai tay mở ra từ phía dưới đặt chồng lên nhau, lòng bàn tay phải đặt chéo trên lưng bàn tay trái. (Tay trái tượng trưng cho người tự vệ luôn có trái tim nhân ái, che đậy động tác này nhắc nhở người tập không lạm dụng kỹ năng, sức mạnh mà nên nhẫn nhịn và luôn khiêm tốn).
    c) Xoay hai bàn tay bạn từ dưới lên ngang tầm vai tạo thành một góc 30 0 lòng bàn tay phải vẫn đặt trên lưng bàn tay trái (động tác này mô phỏng sự vận hành của vũ trụ, Âm tiêu Dương trưởng, hội tụ bốn phương tám hướng sống hài hoà giữa Trời, Đất và Con người).
    d) Tiếp đến, hai tay bạn nắm lại rút về hông đồng thời đặt chéo hai tay phía dưới, cổ tay phải đặt trên cổ tay trái, gạt hai tay ra hai bên tạo thành tư thế chuẩn bị (Jumbi).
    Cách chào ra:
    a) Từ tư thế chuẩn bị (Jumbi).
    b) Bạn đưa hai bàn tay đặt chồng phía dưới, lòng bàn tay phải đặt trên lưng bàn tay trái. Xoay từ dưới lên ngang tầm vai tạo thành một góc 30 0, đồng thời chân phải bạn rút về chân trụ và hai tay rút về hông. Tiếp đến, hai bàn tay bạn mở ra buông thẳng ép nhẹ sát vào phía ngoài.
    c) Bạn cúi đầu chào, thân trên tạo thành một góc 30 0, sau đó thân trên chuyển động như một mặt phẳng để trở về vị trí ban đầu.
    Cách chào ngồi (Zarei):
    - Từ tư thế chuẩn bị, bạn giữ yên chân phải, chân trái bước lui về sau một bước.
    - Tiếp theo, bạn gập gối trái xuống sàn, hai tay đặt hờ lên đùi, chân phải quỳ như chân trái, đầu ngẩng lên nhìn về phía trước, từ từ ngồi lên trên hai gót chân, lưng thẳng.
    - Sau đó khi thở ra, bạn cúi xuống bằng cách đặt hai bàn tay sấp chạm sàn nhà, đặt tay trái trước rồi đến tay phải, hai ngón trỏ và hai ngón cái hợp thành một hình tam giác. Lưng bạn giữ thẳng sao cho hông và hai gót chân đừng cách xa nhau quá, đầu gối mở rộng rồi từ từ hạ thấp đầu xuống chạm với mặt sàn, mắt nhìn xuống khoảng trống của hai bàn tay. Sau khi thở ra, bạn hít vào chầm chậm và từ từ ngồi trở về tư thế ban đầu. Khi chào tôn kính đôi mắt bạn nhìn xuống cánh mũi, thực hiện hết sức cung kính tâm trí loại bỏ ý tưởng tấn công. Nếu chào chiến đấu, khi cúi xuống chào đôi mắt bạn luôn nhìn lên chú ý vào người đối diện, tập trung tinh thần (chào chiến đấu, đầu cúi xuống cách với mặt sàn 30cm).
    - Khi đứng dậy, bạn tiếp tục nhấc mông lên khỏi gót chân với tư thế quỳ. Bạn giữ yên chân trái và đưa chân phải ra trước, rút tay phải về vị trí cũ rồi đến tay trái. Tiếp theo, bạn chuyển chân phải lui trở về vị trí ban đầu.
    Tất cả các động tác chào, ngồi, xếp hàng ở lớp học bạn phải tập rất nhiều lần và nhất là phải giữ im lặng, không để phát ra tiếng động.

    Vai trò của người thầy (Sensei): Trong Dojo Karatedo, người thầy (Sensei) không hẳn là người lớn tuổi nhất nhưng sinh ra trước, tức là người phải có quá trình rèn luyện Karatedo, có trình độ học vấn nhất định và thông thạo về kỹ - chiến pháp. Người thầy vừa phải am hiểu đúng về võ sử, võ lý và y lý để truyền đạt đúng cho học viên vừa có lòng vị tha, đức khiêm tốn, không mưu cầu danh lợi, có tâm vô úy, vô tranh, vô thọ. Người thầy không tự cho mình là hiểu biết tất cả mà phải luôn khiêm tốn. Người thầy vừa quảng bá cho những người chưa biết về Karatedo vừa là nơi tin cậy, dìu dắt và rất thấu hiểu, định hướng cho học trò của mình. Người thầy như một người cha trụ cột trong gia đình giáo dục con em giác ngộ, hoàn thiện dần nhân cách để thành công trong cuộc sống. Người thầy phải có lối sống lành mạnh được mọi người công nhận và tín nhiệm. Một người thầy giỏi không chỉ biết đấu võ, đánh kiếm, lập nhiều thành tích mà phải có hai nhánh song hành đó là “Bút và Kiếm” cũng như hứng thú với chúng. Ngoài ra, người thầy còn là trung tâm đoàn kết huynh đệ trong trường phái và phải cùng với học viên trước hết là truy rèn đạo đức, lễ nghĩa tại Đạo đường (nơi giác ngộ) của mình sau đó mới đi vào kỹ thuật, chiêu thức. Người thầy phải mẫu mực tuyệt đối tuân thủ theo môn quy, trung thành với hệ phái, trường phái, không coi trọng chiến tích trước mắt, không hướng dẫn những môn võ khác trong đạo đường Karatedo. Người thầy không những truyền đạt về lễ tiết, võ sử, võ lý, kỹ thuật, chiến pháp mà chắc chắn còn phải có năng lực thực sự về đấu pháp, kỹ - chiến pháp để ứng dụng thực hành, minh họa cho học viên khi giảng dạy mới có sức thuyết phục. Muốn duy trì và phát triển khóa học có hiệu quả, phương pháp sư phạm và nghệ thuật quản lý là yếu tố không thể thiếu đối với một người thầy Karatedo. Một nhiệm vụ trọng yếu khác không thể thiếu vắng của một người thầy Karatedo là ngoài trách nhiệm tổ chức huấn luyện, tranh giải tốt, cần phải tiếp cận hội nhập bên ngoài để có cơ sở lý luận đồng thời phải nghiên cứu công trình khoa học về võ học để quảng bá, phát triển trường phái làm phong phú, rạng danh cho nền Karatedo. Người thầy khi truyền đạt cho học viên phải đề cao Võ đạo, nhấn mạnh tính nhân văn trong Karatedo, khẳng định tột đỉnh của võ là văn, đằng sau võ học là cội nguồn triết học, hạt nhân đạo đức và chiều sâu của đạo làm người. Đưa sự cương mãnh, khốc liệt mang bản chất công cụ xuống hàng thứ yếu. Trong Karatedo các nguyên tắc võ thuật đều có tính chất toàn cầu, mọi trường phái Karatedo lớn, nhỏ đều được coi trọng ngang nhau. Vì vậy, bạn có thể lựa chọn cho mình một Dojo theo tiêu chí thích hợp và tin tưởng Sensei của mình. Đó là những người sẽ hướng dẫn những gì tốt nhất cho bạn cũng như nếu cần, họ có những hình thức kỷ luật và khen thưởng.
    Tại Dojo, trước khi đi vào một buổi tập hoặc khi ra về, cả lớp học phải cúi chào Sensei. Đây là nghi thức truyền thống nhằm thể hiện sự tôn kính người đối diện và cảm ơn về sự hướng dẫn của họ.

    Võ phục (Karatedo Gi): Trong Karatedo truyền thống, võ phục của môn sinh là áo và quần màu trắng gọi là Karatedo Gi, tượng trưng cho ánh sáng và sự giản dị, tinh khiết. Nó không viền đen ở cổ và tà áo hoặc áo đen quần trắng (trừ hệ thống võ thuật Okinawa Kobudo). Khi đã có võ phục bạn phải giữ gìn thật sạch sẽ, sau khi tập xong nên móc võ phục và đai lên cao. Trên ngực áo phía trái, phải có phù hiệu của trường phái. Tay áo dài 2/3 của cẳng tay, quần cũng không quá dài trên 2/3 của cẳng chân. Không đính các kim loại sắt bén, dễ vỡ lên võ phục và mang trên người khi luyện tập. Các bạn nữ phải mặc áo lót thun màu trắng trước khi mặc võ phục và chỉ buộc tóc bằng dây mềm. Các bạn nam thì không được mặc áo lót. Môn sinh không nên mặc võ phục ra khỏi võ đường trừ khi có buổi trình diễn đặc biệt. Ngoài ra, khi thi đấu tranh giải hoặc luyện tập đối kháng tự do (Jiyu Kumite) trong sân tập, bạn cần trang bị thêm găng đấu, miếng bảo vệ răng, miếng lót bảo vệ ống quyển hoặc áo giáp nhưng phải được sự hướng dẫn của Sensei.

    Cách xếp võ phục và thắt đai
    Đai: Chiếc đai (thắt lưng) của Karatedo nguyên là màu trắng qua nhiều kỳ thi với thời gian thử thách nó nhuốm mồ hôi, bụi bặm và cả máu để đậm dần thành đen. Để đạt được chiếc đai đen phải là một sự luyện tập, rèn luyện bản ngã, dẫn đến sự khai sáng mà có. Nó phải được trân quý, trình bày thẩm mỹ và đúng kích cỡ của người sử dụng. Không quá dài và không quá ngắn. Đầu đai một mặt thêu dòng chữ Hán: LINH TRƯỜNG KHÔNG THỦ ĐẠO LƯU PHÁI (H.1) trình bày từ trên xuống và mặt sau thêu dòng chữ KARATEDO (H.2) trình bày từ dưới lên. Tất cả chữ bằng màu vàng. Chữ cách đầu đai khoảng 10cm. Đầu đai còn lại (H.3) để trống (hoặc có thể mang cấp đẳng). Huấn luyện viên Trưởng sân tập khi đứng lớp phải mang cấp đẳng. Từ Huyền đai Đệ Nhị đẳng trở lên mới mang cấp đẳng bằng vạch màu trắng, rộng 1cm, khoảng cách 0,5cm và cách đầu đai 7cm. Đai của các Vận động viên khi thi đấu không mang cấp đẳng. Áo, đai của các Vận động viên nếu có thương hiệu của các nhà tài trợ, sản xuất thì cũng chỉ ở một góc rất nhỏ. Đai thắt cách dưới rốn 2cm, mỗi đầu đai thắt xong không dài quá 25cm và hai đầu đai phải luôn ngang nhau (H.4, H.5).

    Bạn muốn thắt đai đúng hãy lưu ý:
    1) Gấp đôi đai lại tìm phần giữa, ngón cái và ngón trỏ tay phải bạn đặt ngay điểm giữa đai và đưa điểm này ngang rốn. Sau đó, bạn vòng nó qua hai bên eo rồi vòng hai đầu đai cân bằng ra phía trước.
    2) Đặt đầu đai bên trái dưới đầu đai bên phải, sau đó nắm đầu đai bên trái từ dưới lên trên xâu vòng vào hai lớp đai trước bụng rồi rút ra, so hai đầu lại cho cân bằng.
    3) Đặt đầu đai bên trái lên trên phần đầu đai bên phải. Đến đây đai đã thắt được 2/3.
    4) Xâu đầu đai nằm dưới vào khoảng trống và thắt lại thành nút. Cuối cùng, bạn kiểm tra xem hai đầu đai được ngang nhau hay không (H.4).

    Hiện nay Trường phái Suzucho Karatedo hệ thống đẳng cấp gồm có:
    - KYU ( Shoka): Kyu 10 – 1 (Trắng, Xanh, Nâu).
    - DAN (Shonen): Cấp trung đẳng (Từ 1 đến 4 đẳng) gồm có: Shodan, Nidan (Ho), Sandan (Daisupai), Yondan (Reushi).
    - SENSEI (Hito): Cấp cao đẳng (Từ 5 đến 10 đẳng) gồm có: Godan (Reushi), Rokudan (Kyoshi), Shichidan (Kyoshi), Hachidan (Kyoshi), Kyudan (Seiko Shihan), Judan (Seiko Shihan). Chưởng môn Trường phái mới có thẩm quyền cấp bằng cho Cấp cao đẳng. Những người tập luyện theo Trường phái Suzucho Karatedo từ 3 đẳng trở lên mới được phép mở lớp giảng dạy.

    Nội dung chương trình giảng dạy:
    Chương trình 30 tháng tập luyện chia thành 3 cấp: Trắng, Xanh và Nâu.
    - Thi lên đai xanh: Dành cho môn sinh sau 6 tháng tập luyện với thắt lưng màu trắng.
    - Thi lên đai nâu: Dành cho môn sinh sau 12 tháng tập luyện với thắt lưng màu xanh.
    - Thi lên đai đen: Dành cho môn sinh sau 12 tháng tập luyện với thắt lưng màu nâu.
    1. Kyu: a) Kyu 10 và 9: Đai trắng 1 - 2 gạch xanh (3 tháng).
    - Chào, khởi động, té an toàn, tấn pháp, kỹ thuật căn bản, những chuyển động căn bản, ngồi thiền (Phương pháp hô hấp Đan Điền).
    - Lễ tiết, Võ sử, Võ lý.
    b) Kyu 8 và 7: Đai trắng 3 - 4 gạch xanh (3 tháng).
    - Kỹ thuật căn bản, những chuyển động căn bản. Các bài quyền TJ, HJ, Yoko, Sankanku, Heian 1, 2, 3. Các bài Te Waza 1, 2, 3, 4, 5. Thực hành đối luyện Gohon Kihon Kumite, Sambon Kihon Kumite.
    c) Kyu 6 đến Kyu 1: (12 tháng) - Quyền Heian 4,5, Empi, Bassai Dai. Củng cố Te Waza 1, 2, 3, 4, 5. Thực hành Ippon Kihon Kumite, Jiyu Ippon Kumite.
    2. Đai xanh:
    - Củng cố Quyền Heian 1, 2, 3, 4, 5.
    - Củng cố Te Waza 1, 2, 3, 4, 5.
    - Ippon Kihon Kumite, Jiyu Ippon Kumite, Jiyu Kumite.
    - Quán triệt Luật thi đấu WKF (2012)
    3. Đai nâu: (12 tháng)
    - Quyền Tekki 1, Bassai Dai, Jion, Kanku Dai, Yen 1, 2, 3, 4, Maki 1, 2. - Te Waza (50 thế) - Uke Waza (50 thế) -Te Ashi Waza (50 thế)
    - Kumite: Jiyu Ippon Kumite, Jiyu Kumite Koden, Jiyu Kumite Shiai (Đối kháng tự do Truyền thống và Đối kháng tự do Thể thao).
    - Công phá: Shuto (4 viên gạch), Teken (3 viên gạch).
    4. Đai đen: (2 năm)
    - Củng cố Quyền Heian 1, 2, 3, 4, 5, Tekki 1, Bassai Dai, Kanku Dai, Empi, Yen 1, 2, 3, 4, Maki 1, 2 và Bunkai.
    - Củng cố Te Waza, Uke Waza, Te Ashi Waza (50 thế).
    - Quyền Yen 5, 6, Maki 3. - Kumite: Jiyu Kumite.
    - Công phá: Shuto (5 viên gạch), Teken (4 viên gạch).
    - Thực hành Phương pháp sơ cứu chấn thương (Kuatsu).
    5. Đai đen Đệ Nhị đẳng: (2 năm)
    - Củng cố quyền Heian 1, 2, 3, 4, 5, Tekki 1, Bassai Dai, Kanku
    Dai, Empi, Jion, Jitte, Yen 1, 2, 3, 4, 5, 6, Maki 1, 2, 3 và Bunkai.
    - Củng cố Te Waza, Uke Waza, Te Ashi Waza (50 thế).
    - Kumite: Jiyu Kumite
    - Công phá: Shuto (6 viên gạch), Teken (5 viên gạch).
    - Binh khí: Nunchaku, Bo (Kỹ thuật và Quyền).
    - Thực hành phụ tá huấn luyện viên.
    6. Đai đen Đệ Tam đẳng: (3 năm)
    - Củng cố quyền Tekki 1, 2, Bassai Dai, Kanku Dai, Empi, Jion, Jitte, Unsu, Hangetsu, Bassai Sho, Kanku Sho, Yen 1, 2, 3, 4, 5, 6, Maki 1, 2, 3 và Bunkai. - Kumite: Jiyu Kumite.
    - Công phá: Shuto (7 viên gạch), Teken (6 viên gạch).
    - Hoàn thành Phương pháp Trấn môn (Kumanote, Sosai).
    - Sáng tác các bài Te Waza (30 thế) và Bunkai, Uke Waza (30 thế) và Bunkai, Te Ashi Waza (30 thế) và Bunkai.
    - Binh khí: Sai, Tonfa (Kỹ thuật và Quyền).
    - Củng cố Phương pháp sơ cứu chấn thương (Kuatsu).
    - Hoàn thành Phương pháp sư phạm.
    - Thực hành Trọng tài phụ và thực hành Trọng tài chính.
    - Huấn luyện viên Trưởng một Câu lạc bộ.
    7. Đai đen Đệ Tứ đẳng: (4 năm)
    - Quyền: Tekki 3, Seipai, Saifa, Chinto, Tensho, Anan, Seishan, Chatanyara Kusanku. Củng cố Bassai Dai, Kanku Dai, Bassai Sho, Kanku Sho, Empi, Jion, Jitte, Hangetsu, Gangaku, Unsu, Sochin, Chinte, Jiin, Seienchin, Nijushiho, Gojushiho Sho, Gojushiho Dai, Meikyo.
    - Kumite: Jiyu Kumite
    - Sáng tác các bài Te Waza (50 thế) và Bunkai, Uke Waza (50 thế) và Bunkai, Te Ashi Waza (50 thế) và Bunkai.
    - Sáng tác các bài Gyaku Kata Koden và Bunkai.
    - Củng cố lý thuyết trọng tài.
    - Củng cố quyền Yen 1, 2, 3, 4, 5, 6, Maki 1, 2, 3 và Bunkai.
    - Củng cố 8 bài Shitei.
    - Nghiên cứu Atemi Waza.
    - Nghiên cứu Huyệt đạo.
    - Binh khí: Kama, Manriki Gusari (Kỹ thuật và Quyền).
    -Tổ chức giải các cấp, tập huấn trọng tài, lập kế hoạch huấn luyện và quản lý phong trào quần chúng.
    8. Đai đen Đệ Ngũ đẳng: (5 năm)
    - Hệ thống chương trình từ Đệ Nhất đẳng đến Đệ Tứ đẳng.
    - Củng cố 6 loại binh khí thông dụng của Hệ thống Kobudo.
    - Tham gia viết bài quảng bá trường phái, hệ phái, phân đường, xuất bản một công trình nghiên cứu khoa học chuyên ngành Karatedo.

    Lớp học Karatedo:
    Trong lớp học Karatedo truyền thống môn sinh là những người anh em giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Họ có một nghi thức xã giao rất chặt chẽ như chào vào, chào ra, chỉnh sửa võ phục... Vào giờ học, võ sinh xếp hàng theo cấp của mình. Một lớp học nề nếp có tổ chức của Karatedo truyền thống, người bên ngoài sân tập nhìn vào vị trí đứng (hoặc ngồi) từ phải qua trái sẽ biết được người nhập môn trước (Senpai) và sau (Kohai) tuy họ có cùng đẳng cấp. Theo Karatedo truyền thống, người nhập môn trước một ngày hoặc một giờ cũng là Senpai. Một võ sinh cấp cao hô khẩu lệnh Seiza Mokuso mọi người quỳ xuống và tĩnh tâm mười phút. Sau đó, hô Shinzen Ni Rei, tất cả huấn luyện viên và võ sinh cúi đầu hướng về chân dung tổ sư, chưởng môn và cả lớp cúi đầu chào. Trong sân tập, chân dung tổ sư, các bậc tiền bối, các bậc cao đồ đứng đầu trường phái phải được trình bày trang trọng, trang trí thẩm mỹ treo ở tầm cao. Tiếp đến là khẩu lệnh Sensei Ni Rei huấn luyện viên và võ sinh cúi đầu chào nhau và lớp học bắt đầu. Đội hình lớp học sẽ được Huấn luyện viên phụ trách tổ chức hợp lý trong không gian tập luyện để giúp các bạn dễ dàng di chuyển, tránh những trường hợp vận động vướng víu vào nhau. Trong thời gian tập luyện, bạn không được tùy tiện ra vào hoặc ngồi qùy xuống nghỉ mà không xin phép huấn luyện viên. Trong sân tập Karatedo tuyệt đối không mang các loại giày dép, bít tất, không có mùi thuốc lá và rượu bia. Sau mỗi buổi tập, võ sinh không phân biệt cấp bậc phải dùng giẻ lau chùi sàn nhà. Truyền thống ý thức cộng đồng này có từ xa xưa và được duy trì trong tất cả Dojo Karatedo. Hành động này vừa vì mọi người, vừa làm cho bản ngã của chúng ta nhỏ hơn cho dù ngoài đời bạn ở vị trí nào, làm nghề gì.

    Khí pháp Karatedo (Phương pháp hô hấp Đan Điền):
    Trong đời sống hằng ngày, nguồn năng lượng (Khí) đóng một vai trò rất quan trọng trong sự liên quan mật thiết giữa cơ thể và tâm trí con người. Cũng như hơi thở qua việc hô hấp không khí là một yếu tố quan trọng nhất trong tiến trình phát sinh năng lượng (Khí). Qua tiến trình hô hấp không khí, dưỡng khí (Oxygen) trong không khí được gạn lọc như một nhiên liệu căn bản dùng đốt cháy thực phẩm để sinh ra năng lượng (khí), thán khí (Carbon Dioxide) và nước theo phương trình hoá học:
    Food + Oxygen + Energy + Carbon Dioxide + Water
    (Thực phẩm) + (Dưỡng khí) + (Năng lượng) + (Thán khí) + (Nước)
    Năng lượng (Khí) được sinh ra từ phản ứng hóa học của dưỡng khí và thức ăn được dùng bồi dưỡng, điều hòa nhiệm vụ não bộ và các bộ phận trong cơ thể cũng như tạo nên một sức mạnh chịu đựng, dẻo dai về thể chất lẫn tinh thần. Để có nguồn năng lượng (Khí) sung mãn, khỏe mạnh, ngoài hai yếu tố cần thiết cần phải có như dưỡng khí (Oxygen) tức không khí trong lành và thức ăn tươi tốt (đầy đủ chất dinh dưỡng). Ngoài ra, cũng cần có thêm những yếu tố khác hỗ trợ như: nước uống tinh khiết, ánh sáng mặt trời, nghỉ ngơi tịnh dưỡng, tâm trí quân bình và vận động thể dục... Hô hấp (hít thở) không khí đóng một vai trò quan trọng nhất trong sự sống. Hô hấp là để sống và tạo nên hơi thở cho nguồn sinh lực trong con người. Sau một công việc mệt nhọc hay một ngày lao tâm, lao lực người ta áp dụng một số phương pháp tập hít thở không khí gọi là tập khí công để cơ thể được khỏe mạnh, tinh thần tươi tỉnh, sinh lực được phục hồi cũng nhờ vào sự biến năng của dưỡng khí được không khí mang vào cơ thể. Ngày nay dưới ánh sáng khoa học cho ta biết rõ cơ thể, đặc biệt là các bắp thịt trong lúc hoạt động rất cần khí Oxy để tiêu khử khí Carbonic. Oxy tiềm tàng trong không khí được hít vào phổi rồi hòa tan vào huyết để được tải khắp cơ thể. Huyết cũng tải về phổi thán khí do các bộ phận khác tiết ra và được thải ra ngoài lúc thở ra. Như vậy khí và huyết là hai yếu tố gắn bó mật thiết với nhau, do đó hai quá trình vận khí và vận huyết cũng gắn chặt với nhau. Lưu thông khí huyết là điều kiện cơ bản trong việc bảo vệ sức khỏe và rèn luyện cơ thể.
    Trong xã hội hiện đại, do khoa học kỹ thuật tiến bộ nên con người đa phần sử dụng máy móc trong sinh hoạt, sản xuất hằng ngày ít quan tâm đến hoạt động thể lực. Cứ như thế, không chỉ cơ bắp tay chân ít hoạt động không phát triển được mà Hoành cách mô cũng ít vận động khiến cho cơ thể ngày một thêm trì trệ, phản ứng chậm chạp làm cho sự tuần hoàn máu không thông suốt. Hơn nữa trong cuộc sống hằng ngày, bất cứ ở đâu cũng thường xảy ra những biến động tình cảm quá độ như Mừng, Giận, Thương, Ghét, Buồn, Vui, Muốn (Hỷ, Nộ, Ái, Ố, Ai, Lạc, Dục). Hoặc do nhiều áp lực công việc khiến thân tâm bất an, điều này chính là hiệu ứng mặt trái mà ít ai nghĩ đến của nền văn minh hiện đại. Do vậy, ngày nay người ta cần có một thể phách tráng kiện để sống có chất lượng và luôn vui khoẻ làm tăng tuổi thọ. Muốn được như thế phải thường xuyên vận động, không chỉ rèn luyện cho cơ bắp được săn chắc mà còn phải chú tâm rèn luyện hệ thống hô hấp. Xoa bóp bên ngoài và tẩy rửa nội tạng bên trong. Hô hấp Đan Điền như một liệu pháp giúp giảm Stress, giảm đau, trầm cảm, có thể hóa giải được những nỗi đau tinh thần và nhiều bệnh tật. Phương pháp hô hấp Đan Điền vì thế ngày càng trở nên trọng yếu cho tất cả mọi người. Đan Điền (hoặc Khí Hải) đều gọi chung là phần bụng dưới - nơi có thể chế thuốc trường thọ nằm trong cơ thể bạn.
    Thông thường các vận động viên hô hấp Đan Điền nhưng không chủ động, chẳng hạn như vận động viên bóng chuyền phải giữ lại thăng bằng cho các phần cơ bắp ở chân, hông, tay. Ngoài ra, gối của anh (cô) ta phải thường co xuống, hông thấp rồi cùng lúc theo tiếng thét nhảy lên vung tay đập hoặc cản bóng, toàn thân bấy giờ phải giữ thẳng. Với những thao tác vận động như vậy, người vận động viên này đã tình cờ thực hiện phương pháp hô hấp Đan Điền đoản khí (thở ra ngắn) rất hiệu quả. Bạn hãy chú ý xem, khi thét, hai chân của vận động viên bóng chuyền ấy đạp đất nhảy lên và thở ra mạnh sẽ ngẫu nhiên làm tăng cường áp lực ở dưới bụng. Có thể tập hô hấp Đan Điền trong tư thế đứng, ngồi, nằm hoặc đi miễn sao vận dụng được hoành cách mô một cách dễ dàng. Lúc vận động nhiều, thở sâu và nhanh, có thể cho không khí qua miệng để tăng cường lưu lượng không khí ra vào, cung cấp nhiều Oxy và khử nhiều khí Carbonic. Lúc không vận động thì thở nhẹ, dài, sâu, rất chậm, đều đặn và toàn thân yên tĩnh để điều hòa. Bạn có thể nhắm mắt lại tập trung ý nghĩ vào từng nhịp thở.
    Hiện nay Khí công có rất nhiều trường phái nhưng nhìn chung có thể phân ra làm hai loại: Trường khí (thở ra dài hơi) và Đoản khí (thở ra thật nhanh).
    - Trường khí (In Ibuki): khiến thân tâm người tập được an định. Các tư thế đi, đứng, ngồi, nằm đều có thể tập được. Tư thế ngồi Kiết già bạn có thể tưởng tượng từ huyệt Bách Hội, Nhân Trung và Đan Điền trên một đường thẳng góc với mặt đất. Sau một thời gian tập luyện hô hấp Đan Điền lâu dài nó không còn là một cái gì hư ảo để chúng ta phải áp đặt các phương pháp tập thở như ban đầu, mà nó là hiện thực như một dòng suối sinh lực lưu thông tự nhiên trong cơ thể chúng ta. Đó là cách thở bình thường của một trẻ hài nhi, vì mãi đến khi lớn lên nó mới học cách thở bằng ngực.
    - Đoản khí (Yo Ibuki): giúp tăng cường năng lực cho thân tâm người tập. Yo Ibuki là một cách thở mạnh, tiếng thở có hiệu quả làm người ta khiếp hãi. Hơi thở vào được hít nhanh qua mũi trong khi hơi thở ra được thở bằng miệng từng hơi ngắn. Khi thở ra, cả thân người gồng cứng, kể cả cuống họng. Khí quản bị thắt chặt và không khí được dồn từ Đan Điền lên. Phương pháp thở này là thở như mãnh thú nhưng phải thở ra trước, hít vào sau một cách có ý thức. Đẩy khí ra một cách tự nhiên, khoang ngực và khoang bụng ép vào, các tĩnh mạch máu từ bụng ép lên tim, sau đó nhanh chóng chuyển lên phổi. Phần ngực co lại sẽ đẩy ra một lượng khí Carbonic. Dưỡng khí sẽ vào phổi, tuần hoàn khắp châu thân một cách thông suốt.
    Dù hô hấp trong lúc tọa thiền hay vận động thể dục, yếu lĩnh cũng là thực hiện hô hấp Đan Điền. Mục đích của phương pháp luyện hơi thở này là tạo nên một sức mạnh thể chất. Sức mạnh ấy cũng đi vào nội tạng, nơi hơi thở được coi là đã làm cho tim và những cơ quan khác trở nên cường tráng. Theo những cao thủ Karatedo và các Cao tăng, Thiền sư ở Nhật Bản đã từng trải nghiệm tu tập. Nếu bạn kiên trì tập luyện phương pháp hô hấp Đan Điền chỉ cần bỏ ra 15 phút buổi sáng và 30 phút buổi tối tập luyện nó có tác dụng rất lớn đến việc trút bỏ gánh nặng, giảm thiểu căng thẳng, hoá giải tính hay nóng giận, hết trầm cảm và dục vọng tầm thường khác. Ngoài ra, nó có tác dụng ngăn chặn hiệu quả các chứng bệnh phổ biến vừa mang lại sức sống tươi trẻ, giàu sinh khí cho thân tâm người tập. Trong thực hành hô hấp, thở cũng là thiền nếu ta có ý thức, quán tưởng. Hô hấp Đan Điền dài hơi vừa đếm 1, 2, 3 vừa thở ra làm cho Chấn Thủy lõm xuống. Khi đã thuần thục bạn có thể đếm dài hơi từ 1 đến 10 và lặp lại liên tục. Tập hô hấp Đan Điền khiến cho các vận động viên có được đảm lưu (sự can đảm), bình tâm (tâm bình lặng), tập trung lực (sức tập trung) và ý sáng (trí sáng tạo). Phương pháp hô hấp Đan Điền là phương cách hô hấp tự điều chỉnh giữa cơ thể con người và vũ trụ hòa thành một tổng thể hợp nhất mang đến sự an định thân tâm, tăng cường sức khỏe.
    Những yếu tố quan trọng trong phương pháp hô hấp Đan Điền mà bạn cần lưu ý là:
    - Tinh túy của phương pháp hô hấp Đan Điền nằm ở chỗ vận động Hoành cách mô.
    - Phương pháp hô hấp Đan Điền yêu cầu thở ra trước rồi mới hít vào “Hô chủ, hấp tòng” (thở ra là chủ, sau đó hít vào). Cụ thể là trước hết bạn hãy dùng lực để thở ra khí cũ, sau đó từ từ hít vào khí mới thật nhịp nhàng.
    - Trong quá trình tập luyện, toàn thân bạn phải buông lỏng. Đầu tiên, bạn cúi người gập ra trước để thở ra một cách trọn vẹn, tiếp theo bạn nâng thân mình từ từ thẳng lên đồng thời hít khí vào tự nhiên, từ tốn. Hoành cách mô của bạn sẽ được hạ thấp tối đa khi bạn thực hiện đúng các bước thao tác đó. “Thượng hư, hạ thực” (trên rỗng, dưới chắc).
    Khác với những phương cách hô hấp thông thường, tập luyện phương pháp hô hấp Đan Điền khiến bạn cảm thấy sảng khoái, thú vị dù phải thực hiện đến hàng chục lần. Đặc biệt, tâm trí của bạn thanh thoát, không hôn trầm mà ngược lại trở nên nhanh nhạy, minh mẫn hơn trước rất nhiều. Với những bạn mới bắt đầu làm quen sẽ cảm thấy người nóng lên, trán đổ mồ hôi, bụng trở nên nhẹ nhàng, mũi thông suốt rất thoải mái. Muốn đạt được những lợi ích do phương pháp hô hấp Đan Điền mang lại, bạn cần tập luyện kiên trì, lâu bền, không gián đoạn. Trong phương pháp hô hấp Đan Điền khi bạn dùng lực ở phần bụng dưới (Đan Điền) mới có thể sản sinh đảm thức (lòng can đảm và trí thông tuệ), toàn thân đứng vững, ổn định. Vì vậy, điểm cốt yếu của phương pháp hô hấp Đan Điền là dùng lực ở khu vực Đan Điền. Kình lực ở eo hông phối hợp với lực của bạn ở bụng dưới giúp toàn thân bạn giữ vững bất động dưới bất kỳ tác động của lực đẩy bên ngoài nào. Ngoài ra, những người luyện tập hô hấp Đan Điền đoản khí lâu năm, khi họ thở ra, cơ bắp của họ cũng như một quả bóng được căng hơi, những vật thể cứng, nặng, sắt bén khi va chạm nó có thể chịu đựng và dội ngược trở lại. Những bạn mới bắt đầu sẽ gặp trở ngại trong việc duy trì áp lực ở bụng dưới lâu dài dù có thể gia tăng áp lực trong một vài buổi tập đầu tiên. Để tập phương pháp dùng lực ở bụng dưới thuần thục, bạn cần rèn luyện lâu dài, bền bỉ, thường xuyên. Các tráng sĩ ngày xưa khi vung lưỡi kiếm lên cùng tiếng thét “Kiai” cũng đã thực hiện hô hấp Đan Điền đoản khí trong chiêu thức của mình. Với những bạn đã trải qua một quá trình tập luyện khá dài sẽ biết cách dùng lực ở Đan Điền, tai mắt không bị rối loạn, tiếng thét vang dội đầy uy lực, dũng khí, tâm trí lúc nào cũng bình tĩnh, kiên cường trước mọi chấn động, rủi may trong cuộc sống.
    Phương pháp hô hấp Đan Điền của Karatedo là những động tác nhu hòa, nhẹ nhàng nhưng mang lại hiệu quả lâu bền, hữu ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Phương pháp hô hấp Đan Điền là dùng hơi thở đẩy ra hết những cặn khí đã tích trữ trong cơ thể rồi hít vào thật sâu nguồn dưỡng khí mới. Tập luyện phương pháp hô hấp Đan Điền là dựa trên cơ sở khoa học thực tế phù hợp với vận động sinh lý tự nhiên của cơ thể để tránh được những tật bệnh có thể phát sinh. Đó là phương pháp tạo điều kiện tốt cho khí Oxy vào cơ thể giúp các tế bào hoạt động tốt hơn. Nó đưa khí Carbonic ra khỏi hơn ba trăm triệu phế nang của phổi tạo môi trường tốt đẹp cho toàn cơ thể. Vì vậy chúng ta nên kiên trì tập luyện hô hấp Đan Điền hằng ngày như người xưa đã nói: “Quyền bất ly thủ, khúc bất ly khẩu” (tay không rời quyền, miệng không ngừng thổi) bởi khí công và kỹ thuật tay chân trong Karate là động tĩnh kết hợp, hoặc: “Xuân hư minh mục hạ ha tâm. Thu tự đông xuy phế thận minh” (mùa xuân thở ra ép khí thành tiếng “xùy” thì mắt sáng; mùa hạ thở ra ép khí thành tiếng “ha” thì dưỡng tim; mùa thu thở ra ép khí thành tiếng “xi”; mùa đông thành tiếng “chùy” thì phế, thận được an. Theo thuyết Âm Dương, trong trời đất có khí âm, khí dương; ngày đêm cũng có khí âm dương. Trong con người cũng có khí âm dương, khí là dương, huyết là âm, lục phủ là dương, ngũ tạng là âm. Khí là năng lực của vũ trụ, luôn luôn hiện hữu nhưng vẫn ngủ yên nếu không được khai mở.
    Chuyên cần tập luyện hô hấp Đan Điền Karatedo thì gân cốt mạnh mẽ, thể chất biến đổi thể lực yếu trở thành mạnh, hoàn thiện cả thân tâm. Hô hấp Đan Điền không có điều gì thần bí mà chỉ là một phương thức bảo vệ sức khỏe để có cuộc sống lâu dài. Theo các nhà nghiên cứu, ngày xưa Đức Thích Ca Mâu Ni đã sử dụng hô hấp Đan Điền khởi đầu như một phép kiện thân rất có giá trị, sau đó trở thành phương pháp quán nội, khai ngộ tiếp cận chân lý.

    Nguồn: PHAN CHI
    Ủy viên Biên tập Văn Phòng Chưởng Môn
    Huyền đai Đệ Lục đẳng (Rokudan)

      Hôm nay: Fri Apr 26, 2024 8:03 pm
       

      Cơ quan chủ quản: Cty TNHH Thể dục Thể thao VÕ THUẬT
      ® Không sao chép thông tin từ Forum này khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Ban Quản trị Diễn đàn Sơn Long Đường
      © 2016sonlongduong. All Rights Reserved
      Skin vBulletin 4.0 Rip By Ligerv
      ===

      Đặt quảng cáo của bạn ở đây
      Liên hệ: E-Mail: trungtamthienuy@gmail.com
      Điện thoại:
      Giá thoả thuận
      Kích thước thỏa thuận