Tám đặc điểm của Trần thức Thái cực quyền
Diễn đàn Nghiên cứu - Ứng dụng Võ thuật Việt Nam

Viện Nghiên cứu-Ứng dụng và Phát triển Võ thuật Sơn Long Đường

Latest topics

» Những cây đại thụ đất võ Tây Sơn
by dotrongluong Tue Oct 11, 2016 10:06 am

» TÌM HIỂU THƠ ĐƯỜNG
by longquyen Mon Sep 26, 2016 12:57 pm

» THƠ ĐƯỜNG VÀ SỰ HƯNG THỊNH CỦA NÓ
by longquyen Thu Sep 22, 2016 12:45 pm

» Luyện Thái Cực Quyền để có thể phòng trị bệnh tật lâu dài
by dotrongluong Thu Sep 22, 2016 9:31 am

» Tập thơ nửa tỷ đồng, thi phẩm hay “thảm họa”?
by My"Sói" Wed Sep 21, 2016 3:49 pm

» Kể từ giờ...
by My"Sói" Wed Sep 21, 2016 3:05 pm

» NÀNG THƠ TRUNG TRINH
by Hoàng Huy Wed Sep 21, 2016 9:29 am

» Dung Hà: hình xăm bông hồng rỉ máu “ma ám”
by My"Sói" Wed Sep 21, 2016 8:34 am

» Các mỹ nhân xăm trổ cực sexy
by My"Sói" Wed Sep 21, 2016 8:31 am

» Brad Pitt và Angelina Jolie ly hôn - cái kết của kẻ "cướp" chồng?
by My"Sói" Wed Sep 21, 2016 8:16 am

» Cảm nhận về võ đức
by Hoàng Huy Tue Sep 20, 2016 10:55 pm

» Đại dũng là đức tính cao quý của người dụng võ.
by Hoàng Huy Tue Sep 20, 2016 10:53 pm


    Tám đặc điểm của Trần thức Thái cực quyền

    cungdau1132
    cungdau1132
    Thành viên mới


    Tổng số bài gửi : 31
    Join date : 23/04/2013

    Tám đặc điểm của Trần thức Thái cực quyền Empty Tám đặc điểm của Trần thức Thái cực quyền

    Bài gửi by cungdau1132 Tue Dec 17, 2013 9:47 am

    ĐẶC ĐIỂM THỨ TÁM : NHANH CHẬM XEN LẪN
    Sách Thái cực quyền phổ viết rằng :

    Vận động nhanh thì được nhanh, vận động chậm thì được chậm;
    Địch bất động, ta cũng bất động, địch hơi cử động, ta đã cử động trước rồi;
    Mới học thì nên chậm, nhưng chậm không phải là trì trệ nặng nề. Sau đó mới tập cho nhanh dần, nhưng nhanh không phải là rối loạn;
    Từ chậm mà vào nhanh, từ nông mà tới sâu
    ”.
    Từ bốn điểm nói trên, chúng ta thấy rằng người mới học Thái cực quyền thì các động tác càng chậm càng tốt, vì có thời gian để chú ý tới sự mềm mại tự nhiên của động tác. Động tác chậm thì nếu có sai lầm hay khuyết điểm, mới nhận biết và sửa đổi dễ dàng. Nhưng chậm không có nghĩa là trì trệ nặng nề.

    Về sau, nhờ tập luyện thuần thục, các động tác mới bắt đầu nhanh dần. Nhưng sự nhanh cũng có giới hạn của nó, nhanh mà vẫn quán thông liên lạc, chứ không lộn xộn rối loạn. Tuy nhiên, không phải chậm thì động tác nào cũng chậm như nhau, nhanh không phải là động tác nào cũng nhanh như nhau. Nhanh chậm là nói về toàn thể thời gian diễn tập các động tác. Cùng một số động tác mà diễn tập trong thời gian lâu hơn là chậm. Cùng một số động tác đó mà diễn tập trong thời gian ngắn hơn là nhanh. Giữa các động tác với nhau, vẫn có động tác này nhanh hay chậm hơn động tác kia. Và ngay trong một động tác cũng có diễn tiến nhanh chậm khác nhau nữa.

    Bởi vậy mà trong Thái cực quyền mới nói là từ chậm đến nhanh, từ nhanh đến chậm, và nhanh chậm xen lẫn. Nhanh chậm cũng chỉ là tương đối, nhưng vẫn nằm trong sự nhất trí của toàn bộ các động tác.
    Chúng ta xét các chi tiết sau :

    1. Mức độ nhanh chậm
    Như đã nói, trong giai đoạn mới học, các động tác phải càng chậm càng tốt, miễn sao đừng trở thành trì trệ nặng nề thì thôi. Các động tác được thực hiện chậm, sẽ giúp ta kiểm soát lại sự chính xác, sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm, nhất là giúp ta thực hiện được sự mềm mại tự nhiên mà Thái cực quyền đòi hỏi.

    Mức độ chậm thích hợp là chậm mà thần khí thoải mái, cử động tự nhiên chứ không đến nỗi thần khí trì trệ, cử động nặng nề cứng cỏi, vì như vậy là phản lại nguyên tắc của Thái cực quyên.

    Sau chừng một hai năm, khi đã có được các động tác mềm mại tự nhiên và hoàn toàn chính xác rồi, mới dần dần luyện tập với tốc độ nhanh hơn. Nhưng nhanh mà vẫn có sự quán thông mạch lạc, chứ không rối loạn.
    Đến khi công phu tập luyện đã tinh, thì lúc đó muốn mau được mau, muốn chậm được chậm, trong mau có chậm, trong chậm có mau, biến hoá khó thể lường được.
    2. Thời gian và điều kiện từ chậm tới nhanh
    Vào thời gian nào, và với điều kiện nào, thì từ chậm chuyển sang nhanh được coi là thích hợp nhất? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta đưa ra hai tiêu chuẩn sau đây :

    a. Động tác trầm xuống
    Trong lúc thực hiện các động tác, mà cảm thấy có thể thực hiện nhanh hơn, nhưng vẫn không làm cho động tác trở nên lỏng lẻo, rối loạn, trái lại động tác vẫn trầm xuống như lúc trước, thì đó đúng là lúc nên làm cho động tác trở nên nhanh hơn.

    Làm cho động tác trở nên nhanh hơn, nhưng nếu cảm thấy động tác không được vững chãi, có vẻ rối loạn, mình không nắm vững được các động tác, thì tức là đã quá nhanh, phải lập tức thực hiện chậm lại.

    Đó là tiêu chuẩn giúp chúng ta biết được nên thực hiện động tác nhanh tới mức độ nào.

    b. Có thể làm xuất hiện kình lực.
    Thái cực quyền tuy là môn quyền thuật đặt căn bản trên sự mềm mại nhưng vì còn là kỹ thuật tự vệ, nên các động tác phải có kình lực. Nếu động tác quá nhanh, thì động tác sẽ theo nhau trơn tuột đi, mà không thể xuất hiện được kình lực. Bởi vậy, khi cảm thấy động tác của mình không thể phát xuất kình lực, thì biết là động tác đó quá nhanh, và phải lập tức thực hiện chậm lại. Đây cũng là một tiêu chuẩn giúp chúng ta biết được mức độ nhanh cần có (Chú thích : Vì các động tác Thái cực quyền cần phải trầm và có kình lực, nên không thể diễn tiến quá nhanh. 13 đường quyền của lộ 1, có được thực hiện nhanh nhất, thì cũng chỉ kéo dài khoảng tám chín phút đồng hồ, mà không thể ít hơn được. Đây là tốc độ của lão danh sư Dương Trừng Phủ, trong cuộc biểu diễn nhân ngày đại hội của hội Nghiên cứu thể dục Bắc Kinh năm 1914).

    Hai điểm nói trên có thể lấy làm tiêu chuẩn để làm cho động tác từ chậm tới nhanh. Đó cũng là thời gian và điều kiện để chuyển từ chậm sang nhanh. Nếu chuyển từ chậm sang nhanh không hợp với tiêu chuẩn trên, thì phải chậm lại. Nhờ vậy mà ta có thể kiểm soát được động tác, không bị động tác và tốc độ dẫn dắt.

    Nhiều người quan niệm sai lầm, cho rằng động tác càng nhanh càng giỏi. Sự thật thì phải hiểu rằng diễn quyền không phải là múa quyền. Nếu chỉ múa cho nhanh cho đẹp, thì đã làm sai lệch hẳn bản chất và mục đích quyền thuật vậy.

    Nhanh hay chậm đều phải do chính ta nắm giữ, chứ không phải chỉ chạy theo tốc độ, bị tốc độ lôi cuốn. Có vậy mới đạt tới được trình độ "muốn nhanh được nhanh, muốn chậm được chậm, trong chậm có nhanh, trong nhanh có chậm". Động tác Thái cực quyền cần có kình lực, độ nhanh chính là để xuất phát và gia tăng kình lực, chứ không phải là làm kình lực mất đi.

    Trong Thái cực quyền, sự nhanh chỉ có nghĩa là động tác chuyển từ tròn sang vuông mà thôi (Hình 17)
    Tám đặc điểm của Trần thức Thái cực quyền 8dacdiem-H17
                                  Hình 17 : Biểu đồ về nhanh chậm xen lẫn
    3. Nhanh chậm xen lẫn
    Như trên đã nói, động tác Thái cực quyền được thực hiện với nguyên tắc "trong nhanh có chậm". Nếu một động tác chỉ có nhanh không thôi, hoặc chỉ có chậm không thôi, tất không thích hợp với nguyên tắc âm dương tương tế trong Thái cực.

    Thái cực quyền là một loại vận động ý khí, do đó phải đem ý thức đặt vào động tác. Ý thức thì không thể lúc nào cũng như lúc nào, mà phải có biến đổi. Động tác có nhanh có chậm, chính là phối hợp với tính chất biến đổi của ý thức, đồng thời khiến cho sức chú ý được duy trì thích hợp, và thần khí được thay đổi thích hợp.

    Sự nhanh chậm chẳng những cần thiết cho việc tập luyện thể chất, mà còn rất cần thiết cho kỹ thuật tự vệ. Không phải chỉ có động tác nhanh, động tác chậm, mà ngay trong diễn tiến của một động tác, cũng có nhanh chậm xen lẫn nhau nữa (Hình 17).

    Trong nhiều đường quyền Thái cực liên tiếp, sự thích hợp về nhanh chậm là cho toàn bộ các đường quyền, và cho cả từng đường quyền nữa. Đặc biệt là động tác còn phải hòa hợp với sự hô hấp. Động tác chậm thì hô hấp chậm, động tác nhanh thì hô hấp nhanh, như vậy mới thích hợp. Nhiều người gia tăng tốc độ của động tác, rồi thấy hô hấp cũng gia tăng thì lấy làm e ngại, không dán thực hiện động tác nhanh hơn nữa. Đó là sự sai lầm.

    Thái cực quyền được tạo nên bởi Bát môn và Ngũ bộ. Lúc mới bắt đầu luyện tập, vì cần phải trừ bỏ mọi sự cứng cỏi nặng nề trong động tác, nên tạm thời chưa cần động tác phải có kình lực, nghĩa là động tác chỉ cần tròn, chưa cần vuông. Ở thời kỳ mới tập luyện này, kình lực chưa xuất hiện, là vì thời gian tập luyện còn ít, công phu luyện tập chưa nhiều, các thói quen cần có lợi chưa có. Nếu ở thời kỳ này mà cố gắng tạo kình lực cho động tác, thì kình lực đó chính do sự mềm mại tự nhiên và do tính chất đàn hồi của các bắp thịt, chứ không phải do sự mềm mại tự nhiên và do tính chất đàn hồi của bắp thịt tạo ra, và như vậy hoàn toàn đi ngược lại nguyên tắc của Thái cực quyền.

    Rất nhiều người mới tập, tưởng rằng thực hiện các động tác nhanh thì tạo ra kình lực, sự thật động tác nhanh chỉ là những động tác trơn trượt, chỉ làm giảm kình lực mà thôi, vì chính người đó không kiểm soát, không điều khiển được các động tác của mình.
    Phải sau một hai năm chuyên cần luyện tập, động tác đã hoàn toàn mềm mại uyển chuyển, thì tốc độ tự nhiên gia tăng, mà kình lực cũng tự nhiên xuất hiện.

    Kình lực phải xuất hiện đúng lúc động tác đạt tới chung điểm, rồi sau đó lại ẩn giấu đi. Chung điểm của một động tác cũng chính là điểm đạt tốc độ cao nhất trong động tác.

    Luyện tập lâu ngày, sẽ thấy được các bí quyết của nhanh chậm xen lẫn.

    Trường hợp các động tác :
    - Hướng ra ngoài, hướng vào trong, hoặc từ hai bên hợp lại.
    - Hướng xuống dưới, hoặc phân ra hai bên, hoặc phát xuất tới một hướng.
    - Động tác của cổ tay được giúp đỡ bởi cùi chỏ, động tác của cùi chỏ được giúp đỡ bởi cánh tay trên.
    Tất cả các trường hợp đó, động tác đều có thể phát xuất kình lực, miễn là nắm vững nguyên tắc nhanh chậm xen lẫn. Luyện tập lâu ngày sẽ khiến cho Bát môn kình từ không mà thành có, từ có mà thành mạnh, làm cho cái danh "Bát môn Ngũ bộ" mới hợp với cái thực.
    4. Nắm vững nguyên tắc nhanh chậm xen lẫn
    a. Lúc mới học cần nhất phải chậm.
    Lúc mới học Thái cực quyền,vì cần có thời gian để nhận xét và sửa chữa các động tác, nên các động tác phải thật chậm, rồi phải tuần tự luyện tập từng động tác một, và kiên nhẫn chờ đợi cho qua được thời kỳ đầu tiên này, đừng nên sốt ruột, để tránh được sự hấp tấp có hại sau này.

    b.Đem tinh thần và ý khí để tìm được sự chậm trong động tác.
    Thời kỳ mới học, các động tác phải chậm. Nhưng như ở một phần trên đã nói, cái chậm cũng có giới hạn của nó, làm sao đừng chậm đến nỗi các động tác ngập ngừng nặng nhọc, rồi thần khí trì trệ, tư tưởng đang nghĩ ngợi đâu đâu. Như vậy, cái chậm mà Thái cực quyền đòi hỏi, là cái chậm trong đó tinh thần được phấn chấn, ý khí được linh hoạt. Chính tinh thần và ý khí đó sẽ giữ được cái chậm thích đáng cần có.

    c. Đạt tới cái nhanh, nhưng động tác vẫn phải trầm và có kình lực.
    Nhanh cũng như chậm, đều có giới hạn. Nếu đã không thể chậm quá, thì cũng không thể nhanh quá. Nhanh mà động tác trở thành rối loạn, trơn trượt, thì đó là khuyết điểm. Thái cực quyền đòi hỏi cái nhanh, trong đó động tác vẫn trầm, nếu không trầm là khuyết điểm. Đồng thời, trong động tác nhanh, cũng vẫn phải xuất hiện kình lực. Bởi vì xuất hiện kình lực thì có thể giảm bớt được, kiểm soát được mức độ nhanh. Cái nhanh đó mới là cái nhanh mà Thái cực quyền đòi hỏi, không phải là cái nhanh của sự múa may.

    d. Diễn tiến chậm, tới điểm vuông thì nhanh thêm.
    Bây giờ chúng ta nói về nguyên tắc nhanh chậm trong từng mỗi động tác. Thái cực quyền phổ quy định rằng, một động tác trong lúc diễn tiến thì phải chậm, tới gần chung điểm thì nhanh hơn lên, để tới chung điểm là nhanh nhất, rồi từ đó lại chậm lại vì đã bước sang động tác khác. Đó là sự tiến hành động tác theo nguyên tắc "chu nhi phục thuỷ", nghĩa là đi hết một vòng thì lại trở lại từ đầu.

    Nói như vậy thì chúng ta đã nắm vững được nguyên tắc nhanh chậm xen lẫn trong Thái cực quyền rồi. Về sự nhanh chậm trong đặc điểm 8 này, xin tóm tắt như sau :

    - Lúc mới bắt đầu học tập Thái cực quyền , thì các động tác phải chậm, vì đó là cơ hội để kiểm soát và sữa chữa các động tác sai lầm.
    - Trong cái chậm, tinh thần phấn chấn và ý khí phải linh hoạt.
    - Tới trình độ khá, thì sẽ lần lần rút ngắn thời gian diễn tập các đường quyền, để đạt tới cái nhanh. Nhưng trong cái nhanh, động tác phải trầm và phải có kình lực.
    - Trong một động tác, lúc diễn tiến thì chậm, gần tới chung điểm thì nhanh dần, tới chung điểm thì nhanh nhất, để sau đó chậm lại. Đó là nguyên tắc nhanh chậm xen lẫn trong Thái cực quyền.
    - Trong toàn bộ các động tác, cũng như trong từng động tác, nguyên tắc nhanh chậm xen kẽ đều phải được thể hiện thích đáng. Nhanh chậm trong từng động tác còn phải phù hợp với nhanh chậm trong toàn bộ các động tác. Đây là điểm khó khăn, đòi hỏi công phu luyện tập.
    KẾT LUẬN
    Tám đặc điểm trên đây của Trần thức Thái cực quyền là do chúng tôi căn cứ theo sách cổ, rồi trải qua kinh nghiệm luyện tập lâu năm, mà gạn lọc ra. Những nhận định quý giá của tiền nhân, bây giờ trở thành những nguyên tắc luyện tập mà người yêu mến Thái cực quyền phải tuân theo.

    Tuy phân ra làm 8 đặc điểm , nhưng trong thực chất thì vẫn chỉ là một. Bởi vậy trong lúc luyện tập cũng như khi giao đấu, không nên phân biệt riêng rẽ từng đặc điểm một, vì cả 8 đặc điểm đều có liên hệ với nhau rất mật thiết.

    Trong bất cứ động tác nào, cũng phải vận dụng ý thức để chỉ huy diễn tiến của động tác (đặc điểm 1), khiến cho tinh thần được phấn chấn và động tác có được tính chất đàn hồi do bắp thịt cung cấp (đặc điểm 2), rồi ở chỗ Hư thật giao hoán thay đổi và ở động tác thuận nghịch triền ty xoáy ốc (đặc điểm 3), khiến cho nội ngoại tương hợp, đạt tới trình độ nhất động toàn động, các bộ phận cơ thê quán thông liên lạc (đặc điểm 5) và liên tục triền miên không đứt đoạn (đặc điểm 6), biểu hiện được đặc tính cương nhu tương trợ (đặc điểm 7) và nhanh chậm xen lẫn (đặc điểm Cool, và đó là tất cả sự đặc sắc của Thái cực quyền.

    Như vừa trình bày, tất cả 8 đặc điểm của Thái cực quyền đều liên hệ mật thiết, không thể tách rời. Bởi vậy, nếu cô lập từng đặc điểm, để chỉ biết riêng đặc điểm đó thôi, thì sẽ tổn hại tới đặc điểm sau, và ảnh hưởng xấu tới đặc điểm trước. Ngoài ra, không phải trong một động tác chỉ có một đặc điểm, mà là trong mỗi động tác đều có cả 8 đặc điểm.

    Ngày nay nhiều môn phái Thái cực quyền khác nhau, nhưng nếu quan sát kỹ, chúng ta chỉ thấy có hình thức động tác là khác nhau chút ít mà thôi, còn thực chất và các đặc điểm thì môn phái nào cũng giống nhau. Những đặc điểm đó, ở môn phái này thì hiện ra rõ ràng, ở môn phái khác thì ẩn giấu ở bên trong mà thôi.

    Đó cũng là lý do giải thích tại sao Thái cực quyền trong suốt mấy trăm năm qua, đã không bị đồng hoá bởi môn quyền thuật nào khác, mà vẫn tồn tại với tất cả đặc điểm của nó. Bởi vậy, khi học tập Thái cực quyền, không thể bỏ qua được các đặc điểm.

    Tuy nhiên, biết là biết, còn người mới học thì chưa thể nắm vững ngay được các đặc điểm đó. Biết được các đặc điểm này, là để làm tiêu chuẩn cho sự luyện tập của mình, để tiến bộ mau chóng, và để đạt công hiệu to lớn của Thái cực quyền.

    Hết

    Theo Trần thức TCQ-Cố Lưu Hinh, Thẩm Gia Trinh

      Hôm nay: Fri Apr 26, 2024 3:18 pm
       

      Cơ quan chủ quản: Cty TNHH Thể dục Thể thao VÕ THUẬT
      ® Không sao chép thông tin từ Forum này khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Ban Quản trị Diễn đàn Sơn Long Đường
      © 2016sonlongduong. All Rights Reserved
      Skin vBulletin 4.0 Rip By Ligerv
      ===

      Đặt quảng cáo của bạn ở đây
      Liên hệ: E-Mail: trungtamthienuy@gmail.com
      Điện thoại:
      Giá thoả thuận
      Kích thước thỏa thuận